Xử lý chất thải y tế, chọn công nghệ cao hay chọn giá rẻ?

Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc kiểm soát thành công chất thải y tế sẽ là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam và nó sẽ chỉ thành công nếu khai thác, ứng dụng được những công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp. Nói là như vậy nhưng thực tế khi triển khai, “những người trong cuộc” lại không “nhắm” vào “đích chính” là công nghệ mà lại xem trọng các tiêu chí về giá c

Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc kiểm soát thành công chất thải y tế sẽ là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam và nó sẽ chỉ thành công nếu khai thác, ứng dụng được những công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp. Nói là như vậy nhưng thực tế khi triển khai, “những người trong cuộc” lại không “nhắm” vào “đích chính” là công nghệ mà lại xem trọng các tiêu chí về giá cả. Với cách làm này, dư luận hồ nghi liệu việc xử lý chất thải y tế có trở thành “đầu voi, đuôi chuột”?

Rác thải y tế
Rác thải y tế- mối nguy hại lớn cho môi trường nếu như không được quản lý đúng cách!

Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập Hội đồng tư vấn lựa chọn công nghệ trong khuôn khổ dự án “ Hỗ trợ quản lý chất thải y tế” với nguồn vốn vay từ WB.

Ts.Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện cho biết: với tổng vốn đầu tư 155 triệu USD, dự án được triển khai từ 1/9/2011 đến 31/8/2017 trên toàn quốc với mục tiêu chính là :cải thiện chính sách quản lý chất thải y tế toàn quốc, trang bị hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng cho 200 - 250 các bệnh viện tại Việt Nam, mang lại môi trường tốt hơn cũng như kiểm soát lây nhiễm và an toàn nghề nghiệp cho các y bác sỹ và nhân viên y tế.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy  hiện Việt Nam có trên 1200 bệnh viện và cơ sở y tế công lập; phát sinh khoảng 350 tấn chất thải y tế/ ngày trong đó có 40,5 tấn chất thải nguy hại/ ngày. Lượng chất thải lỏng phát sinh tại các cơ sở y tế vào khoảng 150.000 m3/ ngày đêm, dự kiến đến năm 2015, lượng này lên tới 300.000 m3/ ngày đêm.   Nếu không được quản lý tốt, các thành phần nguy hại trong chất thải y tế như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây ung thư sẽ tạo ra nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Thực trạng trên cho thấy việc xử lý chất thải y tế đang là vấn đề hết sức cấp bách và “chìa khóa thành công” chính là những mô hình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, ưu việt, phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia WB thì mô hình xử lý nước thải y tế cần đạt được những tiêu chí về hiệu quả như: Chi phí đầu tư xây dựng, diện tích đất xây dựng; chi phí vận hành bảo dưỡng, các tác động đối với môi trường cảnh quan; khả năng vận hành, chuyển giao công nghệ; khả năng bố trí công trình trong khuôn viên bệnh viện; thời gian đưa công trình vào vận hành hiệu quả; khả năng bảo dưỡng và phục hồi hệ thống xử lý nước thải sau sự cố...

Đối với chất thải khí y tế, các phòng xét nghiệm, kho hóa chất, dược phẩm phải có hệ thống thông khí và các tủ đốt hơi khí độc đảm bảo tiêu chuẩn quy định; các thiết bị sử dụng khí hóa chất độc hại phải có hệ thống xử lý khí đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; khí thải lò đốt chất thải răn y tế phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt nam. Khí thải sau khi được làm nguội thường được xử lý bằng hấp thụ hoặc trung hòa.   

Theo bà Kari Hurt Trưởng nhóm Y tế -WB thì nếu khai thác, ứng dụng được những công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện Việt  Nam thì các mục tiêu của dự án sẽ có những thuận lợi để thành công. Các chuyên gia trong nước cũng đồng quan điểm này và cho rằng cần định hướng công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam khi triển khai dự án.

Bộ Y tế cũng đưa ra các tiêu chí để lựa chọn các công nghệ như: Công nghệ đã được áp dụng trên thế giới hoặc Việt Nam, có các báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ ít nhất phải đạt được các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất thải của Việt Nam; phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; có kinh phí đầu tư phù hợp với định mức đầu tư của dự án; vận hành đơn giản; đối với công nghệ xử lý chất thải rắn y tế: tập trung vào công nghệ không đốt và các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý và sau xử lý…

Mới đây, Bộ Y tế còn lựa chọn trong số 33 hồ sơ giới công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam để giới thiệu với word Bank 14 mô hình công nghệ tiêu biểu.

Chôn rác thải trong khuôn viên bệnh viện như thế này vẫn còn khá phổ biến ở các thành phố lớn- ảnh MH
Chôn rác thải trong khuôn viên bệnh viện như thế này vẫn còn khá phổ biến ở các thành phố lớn- ảnh MH

Tuy nhiên đã cả tháng trời sau khi “chấm điểm” các mô hình công nghệ tiêu biểu, Bộ Y tế và WB vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng. Thông tin bên lề cho thấy tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra “nghiêng” quá nhiều về mức giá trong khi thực tế để triển khai có hiệu quả dự án thì công nghệ lại là vấn đề tiên quyết.

Mức giá mà Bộ Y tế đưa ra quá thấp để có được một công nghệ tốt”, một đại diện có mô hình được Bộ Y tế “chấm điểm” tiết lộ. Theo vị đại diện có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này thì những công nghệ của các nước tiên tiến sẽ không thể có mức giá “bèo” như tiêu chí Bộ Y tế ban hành. Do vậy, nhiều khả năng để “trúng tuyển” vào dự án này, các đơn vị phải hạ giá thành bằng cách cung cấp những công nghệ nói thẳng nói thật là “dỏm”.

Trong bối cảnh đất nước còn  nghèo thì việc chú trọng các công nghệ có mức đầu tư hợp lý thể hiện rất rõ ý thức tiết kiệm, hiệu quả của ngành y tế song nếu như không có sự tính toán khoa học thì rất có thể sự tiết kiệm đó sẽ có “phản ứng ngược”. Thực tế đã có những lò đốt rác được đầu tư mà không thể hoạt động, đã có việc ngành y tế một số tỉnh như Bình Thuận phải trả lại thiết bị y tế đã lắp do không thể vận hành.

Lựa chọn một công nghệ  tiên tiến, giá thành hợp lý, phù hợp với thực tiễn, được chuyển giao một cách khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo và hiệu quả là xử lý triệt để các chất thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường sẽ tiết kiệm gấp nhiều lần nếu chọn một công nghệ ban đầu có vẻ như mức đầu tư thấp song thực tế lại là công nghệ lạc hậu kiểu “chưa dùng đã hỏng”. Một chuyên gia trong lĩnh vực này khuyến nghị.

Vị chuyên gia này cũng đồng thời nhấn mạnh thêm: Bộ Y tế nên lưu ý rằng hiện nay một số bệnh viện vẫn còn phân loại nhầm chất thải gây nguy hiểm cho môi trường cũng như tốn kém trong việc xử lý, tỷ lệ bệnh viện có nơi lưu giữ chất thải y tế đảm bảo yêu cầu vệ sinh theo quy định mới đạt khoảng 45,3% tổng số bệnh viện trong toàn quốc, công nghệ đốt rác thải y tế hiện đại mới chỉ được áp dụng tại một số bệnh viện lớn, còn lại 26,7% bệnh viện thiêu đốt chất thải y tế nguy hại ngoài trời hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện hoặc bãi chôn lấp chung của địa phương.

Bên cạnh đó hiện có khoảng 74% các bệnh viện tuyến Trung ương, 40% các bệnh viện tuyến tỉnh và 27% các bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, các hệ thống này sử dụng những phương pháp đã cũ như: Lọc sinh học nhiều tầng, Aeroten truyền thống, ao sinh học, lọc sinh học nhỏ giọt... đã xuống cấp, không còn đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.   

Rõ ràng, với một “thực tế” nhiều bất cập như vậy, việc lựa chọn mô hình công nghệ cao hay chọn giá thấp là bài toán khó cần được giải và đáp án chính xác sẽ do lãnh đạo ngành y tế với sự tham vấn của các chuyên gia WB quyết đáp.

Sơn Minh
 

Đọc thêm