Xử lý dự án điện chuyển tiếp: Làm sao vừa tránh lãng phí vừa không phạm luật?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc lãng phí các dự án điện mặt trời, điện gió thời gian qua đã gây ra bức xúc lớn với dư luận, khiến các chủ đầu tư lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, khi có cơ chế chính sách để xử lý lại phát sinh tình huống làm gì để vừa không lãng phí vừa không vi phạm pháp luật.
Cần có cơ chế để việc sử dụng các dự án NLTT chuyển tiếp không lãng phí, không sai quy định. (Ảnh minh họa)
Cần có cơ chế để việc sử dụng các dự án NLTT chuyển tiếp không lãng phí, không sai quy định. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xử lý đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp gặp khó khăn khi phải bảo đảm nhiều mục tiêu. Theo đó, vừa phải tránh được sự lãng phí vừa không bị xem là hợp thức hóa cái sai, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

“Để làm được việc này thì rất cần phải có chủ trương và cơ chế của cấp có thẩm quyền, sự chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thì mới tháo gỡ được” - Bộ trưởng Diên nói. Bởi hầu hết các chủ đầu tư các dự án nêu trên đã “chạy đua” với thời gian để được hưởng giá FIT (cơ chế giá khuyến khích đối với điện mặt trời và điện gió) nên đã bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật (thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành).

Hiện nay, cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng không đủ điều kiện được hưởng giá FIT với tổng công suất hơn 4.736MW. Để có thể huy động, đưa các nhà máy này vào vận hành, tránh lãng phí, bức xúc, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 quy định phương pháp xác định và khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp. Bộ cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn EVN khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.

“Tuy nhiên, đến ngày 30/3, tức là sau 2 tháng kể từ khi Quyết định khung giá có hiệu lực, chỉ có 1 nhà đầu tư đến nộp hồ sơ. Và tính đến nay, vẫn còn 26 nhà máy với công suất là 1.346MW, chiếm 28,4% số dự án, vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, lý do khiến các chủ đầu tư chậm gửi hồ sơ là do không muốn đàm phán với EVN trong khung giá mà Bộ Công Thương ban hành, vì cho là thấp; Ngoài ra, còn có thể có lý do là chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về truyền tải điện.

Do đó, Bộ trưởng Diên đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ để Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực, bức xúc cho xã hội; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên nhưng cũng để các tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.

Thông tin về cơ chế tính giá NLTT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dựa vào các căn cứ pháp lý là Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua, bán điện.

“Quá trình tính toán, thẩm định khung giá, Bộ có so sánh với số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế, tư vấn GIZ, Viện Năng lượng…, đặc biệt là đã thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…” - Bộ trưởng chỉ rõ.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, theo số liệu giám sát đầu tư của các Tổ chức quốc tế thì suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018 - 2021 giảm 11%/năm, suất đầu tư điện gió trên bờ nối lưới giảm 6,3%/năm.

Đối với Việt Nam, giá FIT 2 áp dụng cho các dự án điện mặt trời ban hành năm 2020 của Chính phủ đã giảm 8% so với giá FIT 1 ban hành năm 2017. Vì vậy, khung giá phát điện theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành tháng 1/2023 giảm khoảng 7,3% so với giá FIT 2 được ban hành năm 2020. Tỷ lệ giảm suất đầu tư của nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được tính toán kỹ và lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn. Vì vậy, cơ chế giá cho các dự án NNTT chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước” - Bộ trưởng khẳng định.

9 dự án điện chuyển tiếp đã được phát điện lên lưới

Theo cập nhật của EVN, đến 17h30 ngày 2/6, đã có 65/85 dự án NNTT chuyển tiếp với tổng công suất 3643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Đọc thêm