Xử lý hàng giả, hàng nhái: Đấu tranh không có điểm dừng

(PLVN) - Rất nhiều khu vực như kho hàng sân bay, các tụ điểm kinh doanh hàng nhái, giả “có tiếng” ở miền Bắc... đã bị lực lượng Quản lý thị trường “sờ gáy” trong thời gian gần đây. Sắp tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì chứ không phải ra quân theo chiến dịch rồi dừng lại.
Ngày 2/6, lực lượng QLTT đã kiểm tra hàng hóa vi phạm tại kho của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài

Nhiều vụ chuyển cơ quan điều tra đã khởi tố 

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến ngày 27/5/2020, toàn lực lượng đã kiểm tra 38.581 vụ, xử lý 23.935 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 125 tỷ đồng. Trong đó, riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.271 cơ sở; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 5 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra 35 vụ (gồm 9 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 8 vụ gian lận thương mại; 16 vụ hàng giả và 5 vụ vi phạm khác). Kết quả cho thấy, cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự 6 vụ; không khởi tố hình sự 6 vụ và đang tiếp tục điều tra 23 vụ). 

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, lần đầu tiên Tổng cục QLTT đã thành lập riêng một tổ công tác về thương mại điện tử (TMĐT), gọi tắt là Tổ 368. Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đã từng cho rằng, công tác phòng chống gian lận hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên môi trường TMĐT là cực kỳ khó khăn, vất vả và mất rất nhiều thời gian trinh sát, lập kế hoạch. Thành lập Tổ 368 là một bước tuyên chiến mạnh mẽ với tình hình gian lận trên môi trường mạng. 

Kết quả bước đầu cho thấy, Tổ 368 đã “sờ gáy” các ổ nhóm tụ điểm hàng giả, như tấn công 2 hệ thống mỹ phẩm toàn bán hàng lậu, thậm chí hàng giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, đó là hệ thống cửa hàng Ansan Cosmetics, thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm các loại, tổng giá trị hàng hoá theo giá niêm yết là hơn 800 triệu đồng. Cùng với đó, triển khai công tác để Cục QLTT các địa phương tổ chức các cuộc “truy quét” hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, được bán trên mạng xã hội như zalo, facebook.

Cũng là lần đầu tiên, lực lượng QLTT “đánh” mạnh nhiều điểm nóng, nhạy cảm và nổi tiếng bán toàn hàng giả, hàng nhái như chợ chuyên cung cấp sỉ (bán buôn) Ninh Hiệp, các điểm bán hàng ở phố cổ (Hà Nội) và các trung tâm thương mại lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, mới đây, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Đội QLTT số 10 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành khám đối với lô hàng hóa có vận đơn số 738.4744-6512, được vận chuyển từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài. Số hàng hóa này được vận chuyển đến kho hàng hóa nội địa thuộc Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài.

Kết quả, Đoàn kiểm tra thu giữ 1.877 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi, sữa các loại được chứa đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng.

Theo nhận định ban đầu, đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong một đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để tiến hành việc đưa hàng vào sâu nội địa.

Đấu tranh không có điểm dừng...

Trong điều kiện lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành... nhưng thu được những kết quả nói trên theo Bộ Công thương là một sự nỗ lực rất lớn.

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, QLTT đã phải hoàn thành công việc trong điều kiện dịch bệnh, riêng việc di chuyển cũng khó vì nếu không cẩn thận khi đi kiểm tra có thể bị cách ly, nhưng lực lượng vẫn cố gắng trong thực thi nhiệm vụ và xử lý gần 24 nghìn vụ, với số tiền xử phạt trên 125 tỷ.

Thứ trưởng An đặc biệt nhấn mạnh, công tác QLTT không phải thực hiện theo chiến dịch, bởi hoạt động này chưa bao giờ có điểm kết thúc. Lực lượng QLTT rất đặc thù, cần phải làm bền bỉ, quyết liệt. Xác định như thế thì phải “chiến đấu”, không làm theo kiểu chiến dịch xong là dừng.

Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, khó lường, để góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước định hướng công tác trọng tâm trong đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội (Facebook, Zalo ...). 

Ông Linh chia sẻ, hiện trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của lực lượng QLTT còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều Đội QLTT vẫn phải thuê hoặc mượn trụ sở làm việc, không có đủ phương tiện làm việc…

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Do đó, Tổng cục QLTT mong muốn trong thời gian tới, những khó khăn này sẽ được giải quyết để lực lượng yên tâm hơn trong công tác thực thi nhiệm vụ của mình.

Đọc thêm