Xử lý hơn 450 vụ vi phạm thương mại ở Bắc Ninh

(PLVN) - Tính đến hết quý III năm 2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện 452 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực thương mại.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phát hiện 452 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phát hiện 452 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn.

Trong đó, có 66 vụ vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; 8 vụ vi phạm về hàng cấm; 40 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 167 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng; 14 vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đồng thời, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã lập biên bản phạt hành chính những trường hợp vi phạm và bán hàng tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3,93 tỷ đồng; tiêu hủy hàng không có giá trị sử dụng hơn 1,25 tỷ đồng.

Hiện nay, trong lĩnh vực thương mại đặc biệt là thương mại điện tử đã mang đến sự tiện lợi và nhanh chóng cho cả người mua lẫn người bán. Trong đó, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, người mua ngày càng chọn lựa kênh thương mại điện tử nhiều hơn. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm cũng là dịp người dân tập trung mua sắm, giao dịch hàng hóa nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ về hàng giả, hàng lậu tăng cao.

Do đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng rà soát, xử lý các vi phạm về thương mại trên địa bàn, trong đó mặt hàng về thực phẩm, trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép… sẽ là những mặt hàng được kiểm soát nghiêm ngặt.

Đồng thời, Cục quản lý thị trường cũng khuyến cáo người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng./.

Đọc thêm