Ngành Nội vụ hôm qua tổ chức tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề nổi cộm của ngành.
|
- Thưa ông, thông tin về việc “100 triệu đồng để vào công chức ở Hà Nội” có khiến Bộ Nội vụ “giật mình”?
- Tôi không nghĩ đến mức độ có chuyện ra với con số cụ thể như thế. Nhưng đây là phát ngôn của một người có trách nhiệm như ông Dực thì phải có căn cứ, số liệu, chứng cứ chứ không phải không đúng. Vì vậy chúng tôi thấy phải có trách nhiệm với Hà Nội làm rõ chuyện này.
Hôm qua tôi đã chính thức ký công văn gửi UBND TP đề nghị báo cáo vào ngày 25/12. Trong khi chờ, tôi vẫn chỉ đạo thanh tra Bộ xuống tận quận, huyện xác minh, kiểm tra bài thi, cách chấm, kể cả thông báo tuyển dụng công chức đang thực hiện tại TP.Hà Nội để kiểm chứng mức độ chính xác của thông tin và nắm lại tình hình rồi báo cáo Bộ trưởng.
- Giải pháp nào để phòng ngừa chuyện đó?
- Phải hoàn thiện quy định tổ chức tuyển dụng, điều kiện dự tuyển, chế độ ưu tiên, hồ sơ, giám sát. Đó là biện pháp khắc phục tiêu cực, hậu kiểm, kiểm tra, đặc biệt lắng nghe dư luận để sớm phát hiện vấn đề. Ở những địa phương có vấn đề “nổi cộm” về tuyển dụng công chức thì có tiến hành thanh tra điểm. Nhưng cái gì trên văn bản thì kiểm tra còn phát hiện ra, chứ những cái phải chạy chọt bằng tiền khó phát hiện vì không diễn ra vào lúc mình đi kiểm tra. Muốn phát hiện được thì chỉ có trinh sát bố trí trước.
- Liệu Bộ có đủ sức để thực hiện?
- Không thể nói đủ hay không mà phải làm. Việc này chỉ cần giao cho 3 cán bộ chuyên môn vững, chứ không cần lực lượng đông.
- Nếu phát hiện Hà Nội sai phạm, theo ông, sẽ xử lý thế nào?
- Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, phải truy tố.
- Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, thực trạng này đã tới mức báo động chưa?. Nếu có, các địa phương, ngành nghề nào để xảy ra nhiều nhất?
- Bộ cũng nhận được thông tin về những tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ. Hàng năm, Bộ đều có nhiều đoàn đi kiểm tra về công tác tuyển dụng công chức để đánh giá thực trạng và phát hiện những tiêu cực (nếu có), phối hợp Bộ, ngành, địa phương xem xét sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Chúng tôi chưa có báo cáo thống kê xem địa phương, ngành nghề nào để xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng công chức nhiều nhất.
- Ông nghĩ sao về việc “chạy chức” đang ngày càng phổ biến hiện nay?
- Đấy là vấn đề dư luận vẫn nói chứ không phải bây giờ mới nói. Bộ cũng đã cố gắng ban hành đầy đủ các quy định để việc bổ nhiệm đảm bảo quy trình chặt chẽ, không cho “nợ” tiêu chuẩn, điều kiện và tiến tới cho thi cạnh tranh.
Để khắc phục, trong bổ nhiệm, Bộ đã triển khai quyết liệt 2 đề án (đổi mới phương thức lãnh đạo cấp vụ, cấp sở và đề án thực hiện chế độ tập sự thử việc lãnh đạo quản lý) góp phần đổi mới công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước và lựa chọn các vị trí lãnh đạo quản lý. Mặc dù dư luận nói nhiều đến “chạy chức” nhưng qua kiểm tra thì chưa phát hiện được trường hợp nào.
Song để đảm bảo chất lượng công tác tuyển dụng cán bộ, cũng như khắc phục điều tiếng dư luận xã hội thì quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về bổ nhiệm và đề cao trách nhiệm người đứng đầu... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng bổ nhiệm, lựa chọn người xứng đáng. Tôi nghĩ làm như vậy, dư luận sẽ đồng tình.
- Bộ Nội vụ có bao giờ tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm cách hạn chế?
- Hàng năm Bộ đều tổ chức tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm, tìm cách hạn chế, cũng thường xuyên phối hợp Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư pháp lắng nghe dư luận. Để khắc phục, Bộ đề xuất tổ chức thi tuyển công chức trên máy vì nếu áp dụng công nghệ sẽ góp phần tuyển dụng theo năng lực chứ không phải theo bằng cấp, tránh “chạy” công chức. Giải pháp này đang được tổ chức ứng dụng ngay tại Bộ Nội vụ.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Biểu dương những kết quả ngành Nội vụ đã đạt được, đồng thời, chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thời gian tới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án cải cách chế độ công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng việc nhân rộng thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”. |
H.G (ghi)