Xử lý nợ xấu bước đầu đạt kết quả khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình để lấy ý kiến nhân dân, cho biết, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo NHNN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 32, UBND các tỉnh, thành đã tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đặc biệt hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để TCTD có thể xử lý nhanh tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định.

NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bám sát các quy định của Nghị quyết 42 và các giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Đến nay, nợ xấu của hệ thống các TCTD đã bước đầu được xử lý và đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể:

Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/5/2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Đối với công ty quản lý tài sản (VAMC), lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến 31/5/2021, VAMC đã mua được 336 khoản nợ với 192 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.541 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng. Sau khi mua nợ theo giá trị thị trường, VAMC đã triển khai các giải pháp xử lý nợ phù hợp để thu hồi nợ. Riêng năm 2020, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ 14.649 tỷ; hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2020 (đạt 97,66% kế hoạch)...

Về kết quả xử lý nợ xấu, tính lũy kế từ 2013 đến 31/5/2021, VAMC đã phối hợp các TCTD xử lý nợ với giá trị thu hồi nợ đạt 177.288 tỷ. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.984 tỷ, bằng 65,42% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/5/2021.

Các hoạt động đấu giá khoản nợ cũng được triển khai tốt, tài sản bảo đảm tại VAMC cũng được đẩy mạnh theo hướng tăng cường cả về số và chất lượng. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến 31/5/2021, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 21 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.297 tỷ; thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD.

Đọc thêm