Xử lý nợ xấu: Nhà băng tự tin khi đã có “chìa khóa” pháp lý

(PLO) - Với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020, các ngân hàng tỏ ra phấn khởi và tự tin hơn trong hoạt động kinh doanh cũng như tích cực xử lý nợ xấu…
Xử lý nợ xấu: Nhà băng tự tin khi đã có “chìa khóa” pháp lý

Tháo gỡ pháp lý

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tổ chức hôm qua (21/7), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh, mặc dù quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. 

Những tồn tại, hạn chế được Thống đốc chỉ ra đó là: Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống TCTD Việt Nam nhỏ so với khu vực và so với nhu cầu của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD vẫn còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao.

Chính vì vậy, NHNN đã xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị; đồng thời, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. 

“Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước...”- Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc cũng cho biết, ngày 19/7 vừa qua, TANDTC cũng đã có văn bản yêu cầu các TAND các cấp và các đơn vị trực thuộc thống nhất 

triển khai một số nội dung nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần xử lý nợ xấu trên tinh thần của Nghị quyết 42 của Quốc hội. “Văn bản này thực sự đã làm cho các TCTD hết sức phấn khởi và hy vọng việc xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian tới sẽ được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn...” – Thống đốc chia sẻ.

Ngân hàng tự tin

Tham dự Hội nghị, đại diện các TCTD đã bày tỏ niềm vui và sự biết ơn khi các văn bản pháp lý về tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu được ban hành. “Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong việc tái cơ cấu hệ thống TCTD nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng, qua đó giải phóng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế đất nước...” - Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Vietinbank phát biểu.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, ngay sau Hội nghị sẽ về triển khai trong hệ thống Agribank, bất kể ngày hôm sau là ngày nghỉ. Ông Khánh cũng cho biết, Agribank sẽ nhanh chóng tận dụng ngay cơ hội này để lành mạnh hóa tài chính chuẩn bị cho việc cổ phần hóa vào tháng 10 tới.

Đại diện ACB cho biết, hơn 30% nợ xấu của ACB được xử lý qua tòa án và thi hành án, Nghị quyết 42 của Quốc hội tháo gỡ gần như hết các vướng mắc của ngân hàng hiện nay, đặc biệt 3 vấn đề mà Ngân hàng này rất quan tâm, đó là thủ tục thu giữ tài sản, ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng, thủ tục rút gọn trong quá trình giải quyết tranh chấp. “Khi nợ xấu được xử lý nhanh, đồng nghĩa với việc nguồn vốn được nhanh chóng đưa vào sản xuất kinh doanh…” - đại diện ngân hàng phát biểu.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, ông Võ Minh đã điểm lại những khó khăn, vướng mắc mà hệ thống ngân hàng gặp trong quá trì xử lý nợ xấu và cho rằng Nghị quyết 42 là thành công lớn của ngành Ngân hàng, kỳ vọng quá trình xử lý nợ xấu sẽ khả quan hơn, đặc biệt khi có Nghị quyết 42, thái độ của khách hàng chắc chắn cũng được cải thiện hơn, giảm được tình trạng chây ỳ, né tránh trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

“Đây không chỉ là cơ sở pháp lý giúp cho các ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ mà còn giúp các ngân hàng tự tin hơn trong hoạt động kinh doanh của mình, từ đó cung ứng tốt hơn nguồn vốn cho nền kinh tế…” - ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank phát biểu.

Đọc thêm