Xử lý rác thải ở Hải Phòng, chờ... tương lai

TP.Hải Phòng đang đặt quyết tâm rút “ngòi nổ” môi trường tại “điểm nóng” huyện ngoại thành Thủy Nguyên. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, như vấn đề xử lý rác thải, chính giới chức địa phương cũng thừa nhận, chắc vẫn còn phải chờ ở… tương lai.

Như PLVN phản ánh, TP.Hải Phòng đang đặt quyết tâm rút “ngòi nổ” môi trường tại “điểm nóng” huyện ngoại thành Thủy Nguyên. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, như vấn đề xử lý rác thải, chính giới chức địa phương cũng thừa nhận, chắc vẫn còn phải chờ ở… tương lai.

Nỗ lực cải thiện môi trường…

Theo số liệu của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn – Sở NN & PTNT TP.Hải Phòng, đến hết năm 2011, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đã xây dựng được 59 nhà máy nước mi ni, cung cấp nước sạch cho 96% dân số của toàn huyện. Trung tâm này đánh giá, Thủy Nguyên là địa phương dẫn đầu khối các huyện ngoại thành Hải Phòng trong việc giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn.

Theo đó, thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, ngân sách nhà nước chỉ cấp 50% nguồn vốn xây dựng nhà máy, 50 % nguồn vốn còn lại được huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Mỗi nhà máy nước mi ni có giá trị xấp xỉ 1,4 tỷ đồng nhưng chỉ mất thời gian xây dựng từ 3- 5 tháng, kể từ khi lập kế hoạch đến khi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho hay, nước do các nhà máy nước mi ni cung cấp cho người dân, về cơ bản đã giải quyết được quyền lợi của người nông dân. Hàng năm, chính quyền địa phương tổ chức các đoàn liên ngành, trung tâm y tế dự phòng tiến hành thanh kiểm tra chất lượng nước; chỉ đạo HĐND cấp xã xây dựng phương án mức thu đối với hệ thống nước máy trên địa bàn huyện, đảm bảo cho các hộ dân không phải trả mức phí nước sạch vượt quá mức chi phí thường xuyên của người nông dân.

Không chỉ Chương trình nước sạch đạt hiệu quả cao, ông Phạm Quang Thanh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Thuỷ Nguyên cho biết, thực hiện Về Chương trình giữ vệ sinh môi trường nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, Thủy Nguyên đã vận động các DN hỗ trợ, người dân đóng góp, xây dựng được hơn 1.500 nhà vệ sinh cho các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn tại 7 xã miền núi, xã bán sơn địa; vận động xây mới được gần 1.000 hầm bioga; tư vấn,  hướng dẫn hàng trăm hộ dân phát triển kinh tế trang trại xây dựng hệ thống xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại hợp vệ sinh.

Vẫn vướng cơ chế

Ông Bùi Doãn Nhân, Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết, trong năm 2011, Thủy nguyên đã xây dựng được 4 địa điểm thu gom, chôn lấp tạm thời chất thải sinh hoạt nông thôn tại địa bàn các xã Gia Minh, Phù Ninh, Tam Hưng, Ngũ Lão, trong khi địa bàn Thủy Nguyên rất rộng, có tới 37 xã, thị trấn. Vì vậy, năm 2012, Thủy Nguyên đề xuất phương án tiếp tục đầu tư hơn 12 tỷ đồng cho riêng công tác xây dựng các ga rác, điểm thu gom rác, trang thiết bị xe đẩy tại 17 xã, thị trấn. Tuy nhiên, nguồn ngân sách chỉ được phê duyệt hơn 8 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên than thở, để có thể từng bước làm tốt công tác  môi trường nông thôn, trong thời gian tới, Thủy Nguyên chỉ có thể tiếp tục xây dựng từ 3- 4 điểm xử lý rác thải tập trung trên địa bàn huyện.  Ông Bùi Doãn Nhân tiết lộ thêm, 4 ga chứa, xử lý chất thải nông thôn đầu tư từ năm 2011 với dự toán hơn 3,3 tỷ đồng, xây dựng thực tế hết hơn 2,3 tỷ đồng, nhưng đến nay huyện vẫn chưa thể thanh toán nốt gần 1 tỷ của cho chủ thầu xây dựng.

Trong khi đó, đến nay trên địa bàn huyện Thủy nguyên, ngoài một số địa phương đã xã hội hóa công tác vận chuyển rác thải sinh hoạt, đầu mối xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn vẫn chỉ tập trung vào Hạt quản lý đường bộ, địa phương chưa có một DN, một cơ sở nào đủ sức thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn. 

Trước thực tế này, ông Phạm Văn Thao cho biết, phải từ một đến ba năm nữa, khi Khu hợp phần quản lý chất thải rắn rộng hơn 60 ha, trên địa bàn xã Gia Minh đi vào hoạt động, vấn để xử lý rác thải trên địa bàn mới cơ bản được hoàn thiện. Như vậy, vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn huyện Thủy Nguyên vẫn chờ ở “thì tương lai”.

Linh Nhâm

Đọc thêm