Xử lý tài xế dùng ma túy - chế tài đã đủ sức răn đe?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong vụ việc ô tô “điên” lao vào tiệm bánh mì tại TP Đà Nẵng khiến 6 người phải cấp cứu, cơ quan công an cho biết, tài xế gây tai nạn đã sử dụng ma túy và uống rượu bia. Tai nạn thương tâm này một lần nữa báo động về tình trạng nhức nhối lâu nay là tài xế sử dụng ma tuý khi đang lái xe.
Tai nạn xe “điên” đâm vào quán bánh mì ở Đà Nẵng khiến nhiều người bị thương.
Tai nạn xe “điên” đâm vào quán bánh mì ở Đà Nẵng khiến nhiều người bị thương.

Hiểm họa tiềm ẩn

Kể từ đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước liên tục phát hiện nhiều trường hợp tài xế dương tính với ma tuý khi đang lái xe, thậm chí họ còn đang lái xe với tốc độ cao trên những tuyến quốc lộ, cao tốc. Trong khi đó, nhiều trường hợp vẫn chưa bị phát hiện. Điều đáng lo ngại là nếu không sớm ngăn chặn, không ai biết lúc nào những chiếc xe này có thể trở thành những chiếc “xe điên” gây ra tai họa, thương vong khủng khiếp như vụ việc đau lòng mới đây tại TP Đà Nẵng.

Theo pháp luật hiện hành, người điều khiển xe ô tô điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn những tài xế sử dụng ma túy khi lái xe.

Hiện nay, đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe có thời hạn. Chưa có chế tài nào để loại bỏ vĩnh viễn những người sử dụng ma tuý khỏi ngành vận tải. Nhưng thực tế cho thấy hành vi này, kể cả khi chưa gây ra tai nạn, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn nhiều đối với an toàn giao thông (ATGT) so với các hành vi vi phạm hành chính khác. Đã có quá nhiều tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề cả về con người và tài sản liên quan đến việc tài xế sử dụng ma tuý bị ảo giác, không kiểm soát được tốc độ.

Trước thực trạng hiện nay, đã có nhiều đề xuất với các nhà làm chính sách cân nhắc các chế tài nghiêm hơn nữa, không cho đối tượng này được điều khiển phương tiện. Thậm chí, nhiều luật sư còn đề xuất áp dụng tội danh “giết người” đối với người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng chất cấm khi tham gia giao thông, dù chưa xảy ra hậu quả.

Đáng nói, xử lý tài xế mới chỉ là một mặt của vấn đề. Có một thực trạng phổ biến hơn là nhiều tài xế thuộc các doanh nghiệp vận tải sử dụng ma tuý khi đang lái xe đường dài với lý do “cần tỉnh táo hơn để kịp giao hàng theo đúng lịch của doanh nghiệp”. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu nhận định, nếu tài xế bị phát hiện có sử dụng ma túy thì chỉ xử lý tài xế, doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan. Như vậy, quy định hiện hành chưa đủ ràng buộc để doanh nghiệp có ý thức nghiêm túc về kiểm soát sức khỏe của tài xế. Do đó, cần ràng buộc cả trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc để tài xế sử dụng ma tuý khi lái xe.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng từng nhấn mạnh về việc cần tăng nặng chế tài xử phạt, không chỉ bằng tiền mà cả việc xem xét xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT mà có nguy cơ dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa xảy ra vụ việc.

Nhiều đề xuất nhưng chưa thực hiện

Đã có nhiều đề xuất từ các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc đảm bảo sức khoẻ của các tài xế khi tham gia giao thông, tuy nhiên đến nay nhiều giải pháp vẫn chưa được ghi nhận để áp dụng trong thực tế.

Trước đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam từng nhiều lần đề xuất mở sổ “chấm điểm” lái xe. Theo đó, Hiệp hội cũng đề xuất phải kết nối liên thông giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của ngành Công an với dữ liệu quản lý của ngành Giao thông để quản lý lái xe.

Từ cơ sở này, doanh nghiệp vận tải có thể biết được lịch sử của người lái xe, quá trình lái xe có an toàn không, có sử dụng các chất kích thích khi điều khiển phương tiện… rồi mới đưa ra quyết định có tiếp nhận nhân sự hay không. Khi có quy định lịch sử lái xe an toàn và lấy đó là điều kiện để người lái xe có thể xin việc tại các đơn vị vận tải, các lái xe sẽ có trách nhiệm hơn trong toàn bộ quá trình lái xe của mình. Đây là biện pháp quản lý để tăng tính răn đe, không chỉ đơn giản là nâng mức phạt hay tước giấy phép.

Bên cạnh đó, để quản lý tốt lái xe, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, doanh nghiệp cần phải mở sổ theo dõi sức khỏe hàng ngày cho các lái xe. Doanh nghiệp cũng nên có những cuộc kiểm tra đột xuất để sớm phát hiện, tránh bỏ lọt các trường hợp vi phạm, bởi việc sử dụng ma tuý phần lớn là cả một quá trình chứ không phải việc nhất thời.

Về phía doanh nghiệp, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp khám sức khỏe cho lái xe theo kiểu đối phó, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét tổng thể tất cả các yếu tố trên, từ đó rà soát, bổ sung quy định và chế tài phù hợp đối với các doanh nghiệp vận tải, để ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc quản lý tài xế. Đồng thờ có chế độ ưu đãi, thưởng với các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về phòng chống ma tuý.

Thực trạng nhức nhối và những tai nạn thương tâm do tài xế dương tính với ma tuý trong thời gian qua đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kịp thời áp dụng những giải pháp hữu hiệu, nghiêm khắc hơn để chủ động ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng sử dụng ma tuý, rượu bia khi tham gia giao thông, bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2022.

Đọc thêm