Hành vi phát tán tin nhắn rác ngày càng trở nên phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây nhiều khó khăn cho hoạt động ngăn chặn và xử lý. Thế nhưng, tin nhắn rác cũng đang đưa lại doanh thu khủng, và phải chăng đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho việc xử lý tin nhắn rác mới như là “đá ném ao bèo”…
|
Minh họa |
Ma trận tin rác, tin lừa
Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, tin nhắn – tức là dịch vụ nội dung – được cung cấp qua các hình thức người sử dụng dịch vụ nhắn tin đến các đầu số xxxx hoặc gọi điện thoại đến các tổng đài 1900xxxx để được cung cấp dịch vụ.
Nội dung tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo chứa đựng nhiều loại nội dung, như hướng dẫn người sử dụng tải game, wapcharging để cài đặt vào máy điện thoại, tuy nhiên trong quá trình cài đặt, đăng ký mật khẩu hoặc thao tác sử dụng, các phần mềm này đã trừ thẳng tiền (lên tới 15.000 đồng) trong tài khoản mà không có thông tin cảnh báo, người sử dụng không biết trừ tiền ở thời điểm nào. Đó là chưa nói đến các game này còn tiềm ẩn các yếu tố cờ bạc, sát phạt nhau hoặc có nội dung vi phạm thuần phong mĩ tục.
Các DN đánh đúng vào tâm lý của lứa tuổi học trò, học sinh, sinh viên để nhắn tin lừa đảo, tặng quà. Bên cạnh đó, còn loại tin nhắn lừa đảo, dụ dỗ người dân sử dụng dịch vụ miễn phí hoặc với mức phí thấp nhưng thực tế việc sử dụng dịch vụ mất tiền với số tiền lớn hơn.
Một loại tin nhắn rác khác là tin có nội dung trao giải, trúng thưởng hoặc có số cung cấp các chương trình trao giải trúng thưởng nhưng không có cơ chế kiểm soát việc trúng thưởng, kịch bản để trúng thưởng có thật hay không. Có tình trạng DN cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí, gọi tắt là CSP, cung cấp cả các chuyện đồi trụy nhằm tăng doanh thu, hoặc tin nhắn có nội dung bói toán, mê tín dị đoan, cung cấp thông tin cổ súy đánh cờ bạc, lô đề.
Đó là chưa kể các CSP nhỏ hoạt động có tính chất chụp giật, không công khai địa chỉ rõ ràng. Nhiều trường hợp người dân bị lừa sử dụng dịch vụ và bị trừ hết tiền trong tài khoản nhưng không thể tìm được Cty cung cấp dịch vụ để khiếu nại.
Một loại khác là tin nhắn rác mạo danh các DN viễn thông khác với mục đích lừa đảo người sử dụng gọi vào các tổng đài 1900xxxx, phương thức tính cước theo phút, gây thiệt hại cho khách hàng. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng lợi dụng quy định “nhắn tin để từ chối quảng cáo” là miễn phí, trong tin nhắn rác cũng hướng dẫn từ chối, huỷ dịch vụ nhưng lại tính tiền của người sử dụng.
Tin nhắn rác - doanh thu “khủng”
Năm 2011, doanh thu dịch vụ tin nhắn giải trí của Viettel là 4.376 tỷ đồng, của MobiFone là 1.475 tỷ đồng, VinaPhone là 1.222 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu dịch vụ tin nhắn giải trí của SPT là 2,1 tỷ đồng.
Lợi ích về kinh tế chính là nguyên nhân đầu tiên làm phát sinh tình trạng phát tán tin nhắn rác. Nếu DN không quảng cáo hoặc chỉ quảng cáo theo các hình thức thông thường thì doanh thu thấp, nhưng nếu sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo thì doanh thu sẽ tăng hẳn lên, thậm chí tăng vọt một cách đột biến.
Bên cạnh đó, tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các DN di động, DN viễn thông với các CSP có sự chênh lệch lớn, trong khi các CSP phải bỏ ra các chi phí cao để sản xuất sản phẩm, dịch vụ nội dung, mua bản quyền phần mềm, game, âm nhạc, quảng cáo, dịch vụ… nhưng chỉ được hưởng doanh thu, lợi nhuận thấp, do vậy các DN, tổ chức, cá nhân lại tìm cách phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ của mình để thu hút người sử dụng.
Trong khi đó, các Cty thông tin di động quy định tổng doanh thu tối thiểu trên toàn bộ các số truy nhập của CSP là 30 triệu đồng/tháng, do vậy, để không bị chấm dứt hợp đồng, các CSP lại phát tán tin nhắn nhằm đạt được mức doanh thu tối thiểu.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như phát tán tin rác là hình thức quảng cáo có mức chi phí thấp nhất nhưng lại mang tới hiệu quả cao nhất so với các hình thức khác, các sản phẩm của dịch vụ nội dung là các sản phẩm tồn tại trên thiết bị điện tử nên để quảng cáo hiệu quả thì phải sử dụng các thiết bị điện tử…
Công tác quản lý thuê bao di động trả trước còn nhiều bất cập dẫn đến các DN CSP dễ dàng mua được SIM thuê bao di động trả trước đã được kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao với số lượng lớn để phục vụ cho mục đích phát tán tin nhắn rác.
Bất cập của pháp luật
Nghị định 90/2008/NĐ-CP mong muốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp, từ đó đẩy lùi tin nhắn rác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc một số DN viễn thông gây khó dễ đã khiến tổ chức, cá nhân không có cơ hội sử dụng những dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn cạnh tranh mà quay ra tìm các hình thức quảng cáo bất hợp pháp.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng tên định danh (brandname) để gửi tin nhắn trong quảng cáo, thương mại điện tử, cung cấp thông tin nhằm nâng cao thương hiệu của DN, của sản phẩm, dịch vụ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên hiện nay vẫn thiếu các quy định pháp lý hoặc hạn chế từ các DN di động, vì vậy mà nhiều tổ chức, DN phải sử dụng các dịch vụ tên định danh từ nước ngoài, dẫn tới các nguy cơ có thể giả mạo lừa người nhận, gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Qua quá trình triển khai thực hiện Nghị định 90/2008/NĐ-CP cho thấy, mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm chưa đủ mức răn đe, vì thế nhiều tổ chức, cá nhân sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục phát tán tin nhắn rác.
Trong khi chờ các cơ quan hữu trách, các DN di động, CSP, CP biến giải pháp thành hiệu quả thực tế, điều mà người sử dụng dịch vụ di động có thể làm để “cứu” mình khỏi vấn nạn này là chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức nhằm tự bảo vệ mình trước các tác hại, tác động tiêu cực của tin nhắn rác qua các phương tiện truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Tăng cường cả giải pháp hành chính và kỹ thuật Để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, triển khai hiệu quả tạo chuyển biến trong nhận thức và thực hiện, trong đó tăng cường các giải pháp quản lý đối với dịch vụ tin nhắn, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Bộ TTTT và các đơn vị thuộc Bộ, giữa các Bộ. Xây dựng quy chế cấp, quản lý, thu hồi đầu số để đảm bảo minh bạch, công bằng trong hoạt động dịch vụ nội dung. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao trả trước nhằm hạn chế việc dùng SIM rác để nhắn tin rác. Bộ TTTT chỉ đạo các DN viễn thông giám sát chặt chẽ các CSP, CP, có cơ chế chấm dứt hợp đồng với các CSP, CP vi phạm các quy định. Chính các DN phải chủ động xử lý các trường hợp nhắn tin rác nhằm bảo vệ người sử dụng – khách hàng của mình. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu tiến hành các giải pháp về kỹ thuật nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, yêu cầu các DN, CP, CSP rà soát loại khỏi cơ sở dữ liệu các game không rõ nguồn gốc, cờ bạc, dị đoan, lô đề, dự đoán kết quả xổ số…. Các DN sẽ phải lưu trữ cơ sở dữ liệu đầy đủ, an toàn ít nhất 1 năm. Khi quảng cáo qua tin nhắn, thì DN phải thông tin rõ ràng về giá cước, niêm yết giá cước rõ ràng. Một giải pháp khác là phải quản lý cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân không để cơ sở dữ liệu này bị lợi dụng một cách bất hợp pháp. Phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các CP, CSP và DN viễn thông. Giải pháp không thể thiếu là tăng cường tuyên truyền, giáo dục. Đây phải được coi là giải pháp cơ bản, lâu dài, vô cùng quan trọng để mỗi người sử dụng có đủ thông tin và ý thức giải quyết vấn nạn tin nhắn rác. |
Hoàng Bách