Xử phạt 19 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu

(PLVN) - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn vừa kiểm tra, xử lý 19 hộ kinh doanh vi phạm về giá, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng.
Quản lý thị trường Lạng Sơn tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh. Ảnh: Đình Tuấn.
Quản lý thị trường Lạng Sơn tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh. Ảnh: Đình Tuấn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tác động đến tâm lý tiêu dùng, QLTT Lạng Sơn đã đồng loạt ra quân tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của nhân dân không lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, ép giá, bán hàng cao hơn so với giá niêm yết, bán hàng kém chất lượng..., đồng thời nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kết quả trong ngày 08/3, các Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT Lạng Sơn đã tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với 99 cơ sở kinh doanh là các siêu thị, doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Phát hiện, xử lý 19 vụ việc vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm không niêm yết giá, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng; xử phạt tiền hơn 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng trị giá khoảng 2 triệu đồng.

QLTT Lạng Sơn lập biên bản vi phạm hành chính với hộ kinh doanh vi phạm. Ảnh: Đình Tuấn.
QLTT Lạng Sơn lập biên bản vi phạm hành chính với hộ kinh doanh vi phạm. Ảnh: Đình Tuấn. 

Tính đến chiều 8/3, kết quả tuyên truyền, xử lý vi phạm của cơ quan QLTT cho thấy đã tác động tích cực đến thị trường, hiện nay tình hình thị trường ổn định, lượng cung - cầu hàng hóa đảm bảo, giá cả hàng hóa không tăng, tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng.

Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến giá, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm hàng hóa phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh, chú trọng nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, vật tư y tế nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

QLTT Lạng Sơn tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh. Ảnh: Đình Tuấn.
 QLTT Lạng Sơn tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh. Ảnh: Đình Tuấn.

Trước đó, sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm virus thứ 17 tối 6/3 (trước đó có 16 ca nhiễm nhưng đã khỏi bệnh hoàn toàn), đã tác động đến tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm để dự phòng của người dân, khiến cho các hoạt động mua bán thực phẩm diễn ra sôi động, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm như: Mỳ tôm, thịt hộp, các đồ ăn khô...

Trước tình hình đó, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - yêu cầu: “Qua công tác giám sát, nếu phát hiện việc đầu cơ tích trữ, nâng giá bất hợp lý, tranh thủ dịch bệnh như khẩu trang sẽ xử lý nghiêm”.

Đọc thêm