Xử phạt nghiêm để chấm dứt “loạn” thông tin bắt cóc trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cùng với nhiều cảnh báo về tình trạng lừa đảo có thật, đã xuất hiện hàng loạt tin đồn không có thật lan truyền khắp nơi, gây nhiễu loạn thông tin, khiến người dân hoang mang, sợ hãi.
Một thông tin giả lan truyền trên mạng gần đây.
Một thông tin giả lan truyền trên mạng gần đây.

Nhiều tin đồn thất thiệt

Trên địa bàn TP HCM thời gian vừa qua lan truyền một số tin đồn liên quan đến việc trẻ em bị dụ dỗ, bắt cóc trước cổng trường. Mới đây, một thông tin giả danh tin nhắn của giáo viên được chia sẻ trên mạng, cảnh báo về việc trẻ bị người lạ tiếp cận, suýt bị lừa đón ở Trường Tiểu học Long Thạnh Mỹ. Thông tin này khiến phụ huynh học sinh Trường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức, TP HCM) và nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn TP HCM lo lắng.

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo UBND phường Long Thạnh Mỹ cho biết Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Long Thạnh Mỹ đã xác minh không có trường hợp học sinh nào bị người lạ dụ dỗ như trên. Ngay sau đó, nhà trường trình báo Công an phường Long Thạnh Mỹ và báo cáo nội dung liên quan cho Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức. Hiện Công an phường Long Thạnh Mỹ đang kiểm tra, xác minh thông tin lan truyền trên.

Một trường hợp cũng mới diễn ra tại Hà Nội khiến phụ huynh lẫn giáo viên đều bất an. Có một thông báo được cho xuất phát từ một trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội đưa thông tin: "Hiện tại trên địa bàn đã có hiện tượng bắt cóc trẻ em. Đối tượng nhằm vào học sinh, nhất là học sinh tự đi bộ đi học. Đề nghị các bậc phụ huynh tăng cường ngay các biện pháp giáo dục các con kỹ năng phòng tránh, đề cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để quản lý các con. Nếu học sinh nào ở cùng tòa, bố/mẹ cho các con đi bộ về theo nhóm, tan học ra khỏi cổng trường sẽ về ngay nhà. Trân trọng".

Công an quận Hoàng Mai xác định đây là tin bịa đặt. Về phía Trường Tiểu học Tân Định, nơi được cho là gửi đi thông báo trên, đại diện nhà trường cho biết: "Nhà trường không phát đi bất kỳ thông tin, thông báo nào liên quan đến việc có hiện tượng bắt cóc trẻ em như một số hình ảnh lan truyền trên mạng".

Tại một số tỉnh, thành khác cũng xuất hiện những sự việc tương tự khiến nhiều trường học và cơ quan công an phải vào cuộc, phụ huynh học sinh hoang mang.

Cần xử phạt nghiêm

Đây không phải là lần đầu các tin đồn thất thiệt như trên xuất hiện tràn lan. Cách đây một thời gian, mạng xã hội cũng từng rộ lên thông tin nhiều trẻ em bị bắt cóc, đi kèm là những hình ảnh, video có đông người tụ tập, bình luận. Cơ quan công an vào cuộc xác minh cho thấy, các video clip, hình ảnh này là giả mạo, các đối tượng tạo ra thông tin chỉ nhằm mục đích “câu like”, hoặc vì mục đích thu hút đám đông để quảng cáo sản phẩm bán hàng online.

Liên quan đến những thông tin giả về việc bắt cóc trẻ gần đây, hiện chưa rõ mục đích của những kẻ tung tin đồn, nhưng hậu quả của nó đã khiến người dân lo lắng, gây mất trật tự trị an và ảnh hưởng đến công tác quản lý, phòng chống tội phạm.

Theo quy định của pháp luật, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm những hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

Quy định, chế tài đã rõ ràng. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay truy tìm, xử lý những đối tượng “sáng tác” tin đồn và “nhanh tay” lan truyền tin đồn nhằm nhanh chóng chấm dứt “loạn” thông tin gây hoang mang dư luận.

Đọc thêm