Nhiều hộ gia đình thờ ơ
Tại miền Bắc, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng nhanh, Hà Nội đang là một trong những khu vực trọng điểm của dịch. Trước sự diễn biến thất thường của thời tiết nắng gắt, mưa nhiều và đến bất chợt, nhiều công trường xây dựng, bãi đất trống tạo điều kiện cho ổ bệnh phát triển. Theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng từ tháng 8 – 9, đạt đỉnh vào tháng 10 - 11, nhưng năm nay số mắc bắt đầu tăng nhanh ngay từ tháng 5 và tháng 6. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, số mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội sáu tháng đầu năm 2017 là hơn 2000 trường hợp, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2016. Dịch vẫn đang hoành hành chủ yếu ở các quận nội thành như: Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình… Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến giữa tháng 7, bệnh viện tiếp nhận hơn 2.300 lượt bệnh nhân tới khám sốt xuất huyết, chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, để kiểm soát dịch bệnh tốt, ngoài nỗ lực của ngành y tế còn cần đến ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Trên thực tế, thời gian qua công tác phòng chống dịch của người dân khá lỏng lẻo, nhiều hộ gia đình tỏ ra khá thờ ơ. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng phun thuốc phòng chống dịch, nhiều gia đình từ chối hợp tác, có những lời nói, hành động gây cản trở,…Thống kê của Sở y tế Hà Nội, trong quá trình phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, cơ quan y tế không thể phun được hóa chất diệt muỗi cho 20% số hộ gia đình, trong đó có 5% hộ gia đình không hợp tác với nhân viên y tế dự phòng, 15% không có người ở nhà. Trong khi đó, chỉ cần có 10% số hộ gia đình không hợp tác, không chủ động diệt muỗi, bọ gậy thì dịch bệnh vẫn ẩn chứa và có thể bùng phát. Tại các hộ gia đình không tham gia phun hóa chất, muỗi sẽ tiếp tục sinh đẻ và tràn sang xung quanh…
Do đó, việc đẩy mạnh các biện pháp chống dịch chỉ là giải quyết phần ngọn, trong khi yếu tố nguy cơ gây bệnh là vấn đề càng cần phải được giải quyết triệt để, phải có chế tài đủ mạnh để có sức răn đe mới có hy vọng thay đổi ý thức và hành vi của người dân.
Đẩy mạnh xử lý nghiêm, phạt nặng khi vi phạm
Thực tế, quyết định xử phạt đối với những người dân bất hợp tác trong phòng chống dịch đã được pháp luật quy định từ khá lâu nhưng chưa được chính quyền và người dân thực thi một cách nghiêm túc. Con số xử phạt vẫn còn ít so với các vi phạm thực tế. Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2013. Tại Hà Nội, từ cuối năm 2015, thành phố đã đề xuất phạt hành chính người dân không hợp tác trong phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 6 vừa qua, mới có hộ dân đầu tiên tại Thủ đô nhận quyết định xử phạt, với mức 2 triệu đồng.
Sự việc này khiến không ít người phải bỡ ngỡ, bởi nhiều người vẫn vốn nghĩ rằng phòng chống dịch, đó là việc của chính quyền địa phương. Nhưng cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc xử phạt của chính quyền bởi theo họ đó là việc cần làm để làm gương cho nhiều địa phương khác. Để từ nay, người dân không thể coi việc phòng dịch là việc riêng của gia đình mình, để thích thì diệt, không thì thôi.
“Chúng tôi ủng hộ việc xử phạt một hộ dân vừa qua của chính quyền. Theo tôi, mỗi địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều hơn nữa đối với các hộ vi phạm. Nhưng trước khi phạt cần phải hướng dẫn, vận động các đơn vị, tổ chức, người dân thực hiện.Khi mà các cá nhân, tổ chức vẫn không thực hiện thì tiến hành xử phạt.Làm sao để khi xử phạt, người dân tâm phục khẩu phục, có như vậy người dân mới thấy hợp lý và đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Văn Nhu (Vạn Phúc – Hà Đông) chia sẻ.
Được biết, quy trình của việc xử phạt khá chặt chẽ.Các đoàn kiểm tra của địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra các hộ dân trên địa bàn quản lý.Nếu phát hiện sai phạm trong công tác phòng chống dịch thì đoàn sẽ lập biên bản nhắc nhở.Sau đó nếu còn tái phạm, chính quyền địa phương mới ra quyết định xử phạt hành chính.Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: “Phòng bệnh sức khỏe là vấn đề an sinh xã hội nên xử phạt vi phạm là đúng. Theo Nghị định 176 có quy định rất rõ về chế tài xử phạt hành chính trong hành vi vi phạm lĩnh vực y tế. TP Hồ Chí Minh đã từng xử phạt 200 trường hợp, chủ yếu là xử phạt các công trường, các doanh nghiệp, những hộ kinh doanh, buôn bán không phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, việc xử phạt của Hà Nội vừa qua là xác đáng và cần thiết, để tới đây tăng cường hơn nữa xử phạt hành chính với những vi phạm trong lĩnh vực y tế”.
Nhiều ý kiến cho rằng xử phạt là việc nên làm nhưng để xử phạt các hộ dân, tổ chức vi phạm là việc rất khó. Trả lời về vấn đề này, Cục trưởng cho biết: “ Việc này có ý nghĩa cộng đồng, đã được nhắc nhở trước mà không thực hiện thì phải phạt. Đồng thời, chúng ta đã có các quy định xử phạt trong những vi phạm đó, đã có cơ quan chức năng đủ thẩm quyền để xử phạt do đó nếu thực hiện sẽ giúp người dân nâng cao ý thức, chấp hành tốt pháp luật. Đây là việc sẽ phải làm mạnh trong thời gian tới”.
Cùng với đó Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Hà Nội cần đi kiểm tra, những trường hợp nào được khen thưởng, những trường hợp nào phải kỷ luật, khiển trách, kiểm điểm và phải xử phạt. Trước mắt phải xử phạt những công trường, xí nghiệp, những hộ lớn, còn những hộ nghèo không có tiền nộp phạt thì phải thông báo trên các phương tiện thông tin để người dân thấy rằng, những người đó đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng và chính cộng đồng phải đấu tranh với những người không thực hiện.