Xứ Thanh trong "cơn khát" lịch sử!

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành nông nghiệp xứ Thanh buộc phải chứng kiến đợt nắng nóng gay gắt kéo dài khiến 4.165 ha lúa hè thu của 6 huyện dọc theo 102 km ven biển khô hạn. Sông rạch hạ lưu cạn nước. Ruộng đồng nứt toác, bà con nông dân chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời,... đợi mưa!

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành nông nghiệp xứ Thanh buộc phải chứng kiến đợt nắng nóng gay gắt kéo dài khiến 4.165 ha lúa hè thu của 6 huyện dọc theo 102 km ven biển khô hạn. Sông rạch hạ lưu cạn nước. Ruộng đồng nứt toác, bà con nông dân chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời,... đợi mưa!

Hơn tháng nay, nắng nóng ngoài trời luôn ở mức 39 - 41 độ, lũ cóc rũ nhau chui vào trú ngụ trong khóm tre, gốc chuối ở phía đầu ngõ. Đêm đến, chúng đua nhau nghiến răng ken két thấu các canh khuya mà chẳng thấy trời đổ mưa. Từ lúc ông mặt trời chưa thức dậy, anh Nguyễn Văn Miền (42 tuổi) cùng với bà con nông dân thôn Phương Phú vác gầu sòng ra cánh đồng Thanh Lãng gạn tát những gầu nước cuối cùng trên con mương nhỏ, cố gắng cứu vãn vụ gieo cấy lúa hè thu đang tiếp tục chết khát, lá queo quắt một màu vàng úa, trải khắp cánh đồng.

1
Lúa cháy khô như rơm

"Cả cánh đồng Thanh Lãng đều phải cấy lại lần hai. Đợt trước, đồng khô, lúa chết hạn. Lần ni, lúa đang chết khát vì nhiễm mặn. Vợ tôi và bà con hàng xóm đang xếp hàng trên sân kho Hợp tác xã nông nghiệp Nga Thạch nhận thóc giống do UBND huyện Nga Sơn hỗ trợ miễn phí để chuẩn bị gieo mạ cho kịp thời vụ cấy lại lần ba. Tuy 4 sào ruộng nhà tôi chưa bị khô nứt, nhưng đất bị nhiễm mặn, chắt nước nấu canh cũng không thể ăn được. Trưa nắng, muối đóng váng và kết tinh trắng lờ đờ khắp mặt ruộng. Lúa non mới cấy như ri sống làm sao được?" - anh Miền vừa nói vừa lội ruộng nhổ những khóm lúa chết thối rễ giơ lên cho chúng tôi xem. Nhìn khóm lúa vàng úa trên tay anh Miền, tôi thấy nỗi buồn thất bát đang hiện rõ trên gương mặt sạm nắng của người nông dân ở vùng quê ven biển thuần nông, nước mặn đồng chua này...

Nắng lên. Ông mặt trời cáu kỉnh nhuộm rực đỏ cả phía đằng đông và như đang tiếp tục vốc lửa vãi xuống trần gian. Hàng dừa ven đường cái quan đến UBND xã Nga Thạch dầm chân trong cát đứng lặng thinh, xơ úa lá. Ông Mã Văn Gần (Chủ tịch UBND xã Nga Thạch) tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc mất điện, hơi nóng hầm hập. Ông Gần cho biết, xã Nga Thạch có 200 ha đất nông nghiệp chuyên lúa, 100% diện tích gieo cấy vụ hè thu đều bị khô hạn. Trong đó, có 80% diện tích lúa đã bị chết hẳn buộc phải deo cấy lại lần hai. Cấy xong lại gặp nắng gắt kéo dài, sông rạch qua địa bàn xã cạn nước, khiến triều cường xâm thực, đồng ruộng nhiễm mặn. Lúa lại chết, bà con nông dân buộc phải chuẩn bị gieo cấy lần ba. Uỷ ban xã vừa giao cho HTX nông nghiệp Nga Thạch lên huyện nhận thóc giống Khang dân 18, TH3 - 3 và TH3 - 4 về hỗ trợ cho nông dân và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn họ gieo mạ trên nền đất cứng, có mái che để tránh nắng. Nếu chần chừ, bà con nông dân gieo mạ không khẩn trương xong trước ngày 12/7/2010, sẽ chậm thời vụ. Thất bát. Cái đói, cái nghèo lại đè nặng lên vai người nông dân...

c
Mương nước thành đường đi

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi mang tâm tư và nguyện vọng của bà con nông dân trong vùng hạn hán của xã Nga Thạch đến chia sẻ với các cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Nga Sơn. Ông  Nguyễn Văn Phùng (Trưởng Phòng NN&PTNT) hăng hái đưa chúng tội đi khảo sát những cánh đồng cói của các xã Nga Tân, Nga Mỹ, Nga Thuỷ đang úa lá, khẳng khuyu giữa bạt ngàn khô hạn. Trên đồng cói Nga Tân, ông Mã Văn Huế (56 tuổi) cùng vợ là Mai Thị Chẵn cùng một số hộ nông dân trong xã đang mang máy chẽ cói ra dựng lều tềnh toàng ở giữa đồng tranh thủ thu hoạch cói non để chạy hạn. "Ngộ nhỡ, mồi lửa nướng cua, nướng ốc của bọn trẻ trâu "thất lạc" vào đồng cói, thì không ít bà con nông dân ở đây sẽ gặp hoạ lớn, bán nhà cũng không đủ tiền trả tiền Ngân hàng" - Ông Huế nói trong tậm trạng rất lo lắng.

Gia đình ông Huế có 7 khẩu. Chúng nó đứa thì lấy chồng, đứa thì đi vào Nam làm ăn xa. Đầu năm 2010, gia đình ông vay vốn ngân hàng hơn 20 triệu đồng đầu tư cho việc sửa ruộng, đào vét kênh rạch, trồng mới gần 6 sào cói. Tháng 6 kéo sang tháng 7 này, nắng chang chang biến cả vùng cói bổng dưng hạn nứt toác chân ruộng, cói bạc ngọn cháy quắt lá hơn 4 sào. Bây giờ, còn gần 2 sào cói non cao khoảng hơn 1,3m đang úa ngọn, ông bà Huế đang phải thu hoạch vội. Mỗi sào năng suất từ 2 đến 3 tạ cói khô, tư thương tranh mua với giá từ 220 - 250 nghìn đồng/tạ. Tổng số tiền vớt vát được từ 2 sào cói, làm sao gia đình ông Huế có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn mà Ngân hàng đã đầu tư?

Vừa đi trên lòng con mương tưới tiêu giữa đồng cói Nga Tân đang nứt toác, ông Phùng vừa nói: "Chưa năm nào xảy ra tình trạng hạn biển gay gắt, khắc nghiệt kéo dài như mùa hè năm nay. Vùng triều ven biển hạn toác chân ruộng, khiến cây cói chết cháy là chuyện lạ chưa từng thấy ở vùng Nga Sơn này...". Ông Phùng còn cho biết, mực nước ở hạ lưu sông Lèn, sông Càn, sông Hoạt và kênh De qua địa bàn huyện Nga Sơn xuống rất thấp, khiến triều cường xâm thực. Nước mặn theo triều cường sông Lèn xâm nhập sâu vào đất liền hơn 20 km. Đồng ruộng của 27 xã, thị trấn trong huyện có nhiều vùng bị nhiễm mặn với nồng độ từ 5 - 6 phần nghìn, gấp 10 - 12 lần nông dộ cho phép. Các đầm hồ nuôi trồng thuỷ sản của nông dân dọc theo sông Lèn, sông Hoạt và sông Càn đang có nguy cơ bị nổ mắt,... thất thu. Nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đang thiếu, vì nhiễm mặn rất nghiêm trọng. Tính đến ngày 10/7/2010, toàn huyện Nga Sơn có hơn 3.000 ha lúa đã chết và có nguy cơ chết buộc phải cấy lại; hơn 1.000 ha chưa có nước làm đất để cấy. Ngoài ra, nắng hạn còn làm cho trên 200 ha cói bị cháy không cho thu hoạch và gần 1.000 ha cói đang có nguy cơ cháy, giảm năng xuất.

c
Đến cây cói không chịu nổi hạn

Trước thực trạng trên, UBND huyện Nga Sơn đang có cơ chế hỗ trợ vốn 100% cho nông dân có diện tích lúa, mạ bị khô hạn mua thóc giống ở các Trạm khuyến nông gieo bổ sung, cấy lại cho đúng tiến độ thời vụ, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho mùa sau. Mặt khác, UBND huyện cũng đã đề nghị Chi nhánh điện Nga Sơn có kế hoạch ưu tiên nguồn điện 24/24 cho tất cả các trạm bơm trên hệ thống kênh mương trong huyện. Đồng thời, các Trạm khuyến nông liên tục cử cán bộ thuỷ nông theo dõi diễn biến của thời tiết; trực 24/24 và khảo sát ở các nguồn nước sông Lèn, sông Càn, sông Hoạt khi nào thấy không còn hiện tượng bị nước mặn xâm thực, các Trạm phải nhanh chóng bơm nước ngọt lên các hệ thống mương tưới, phục vụ bà con gieo, cấy lại diện tích luá đã chết cháy, hạn và ngập mặn trong thời gian qua...

                                                                       ***
Lúc đang ngồi trước máy tính, tôi lần lượt xem lại những tấm ảnh đồng cói hạn hán nứt toác, ruộng lúa ngập mặn vàng úa đợi mưa giữa trời mùa hạ, con trai tôi (7 tuổi) nó ngồi cạnh, mon men xin bố cho xem từng tấm ảnh. Chợt nhiên, nó liên tưởng đến câu chuyện tranh mà cô giáo đã kể cho nó nghe hồi học mẫu giáo lớn, hỏi: "Bố ơi, nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, khô hạn, bà con không có nước uống. Tại sao, bà con không nhờ "thần cóc" rủ bác hổ, bác gấu đen... đi kiện ông trời hả bố?". 
Nghe nói xong, tôi xoa đầu con mình rồi nhìn ra đường phố trong khí nóng hầm hập, trời còn nắng chang chang./.

Ông Nguyễn Xuân Sang (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hoá) cho biết: "Tính đến ngày 12/7/2010, chỉ riêng 6 huyện ven biển xứ Thanh có 4.165 ha lúa vụ hè thu bị chết cháy hoàn toàn do khô hạn kéo dài và bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Trong đó, huyện Nga Sơn có 1.700 ha, Tĩnh Gia 1.500 ha, Hoằng Hoá 1.250 ha, Quảng Xương 400 ha, Hậu Lộc 245 ha và thị xã Sầm Sơn 200 ha".

Phóng sự của: Lê Trọng Hùng

 

Đọc thêm