Xu thế gia đình đa văn hóa trong thời đại hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhịp sống hiện đại, hội nhập quốc tế, các gia đình đa văn hoá hay quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một xu thế tất yếu trên thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Gia đình đa văn hóa là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. (Ảnh minh họa)
Gia đình đa văn hóa là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. (Ảnh minh họa)

Xu hướng tất yếu

Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình Việt Nam. Sự xuất hiện và gia tăng của các gia đình đa văn hoá đang ngày càng trở thành một hiện tượng quen thuộc và phổ biến hơn. Kiểu gia đình này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển ở châu Âu như Mỹ, Đức, Anh.

Những năm gần đây, có thể lấy điển hình một số nước Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... Nguyên nhân chính là do số lượng người nhập cư và tình trạng nhập khẩu lao động ngày càng nhiều ở những quốc gia này.

Tại Việt Nam, số lượng hôn nhân có yếu tố nước ngoài và gia đình đa văn hoá cũng đang có xu hướng gia tăng trong những năm qua. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Trước hết, trong quá trình hội nhập và giao lưu kinh tế - văn hóa, số người nước ngoài ở Việt Nam tăng cao dưới nhiều hình thức: đoàn tụ gia đình, đi học, làm ăn kinh doanh, lao động xuất khẩu theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc theo hiệp định hợp tác lao động giữa các nước với Việt Nam. Hoặc có rất nhiều người nước ngoài sau khi đến Việt Nam đã quyết định ở lại làm việc và sinh sống tại Việt Nam.

Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2005, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam mới có 12 nghìn người, năm 2010 là 55,4 nghìn người, năm 2015 lên tới 83,6 nghìn người và năm 2019 đạt 117,8 nghìn người. Trong đó, chủ yếu là lao động đến từ các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước phương Tây và các nước khác.

Số lượng này thường chiếm giữ những công việc có vị trí và thu nhập cao ở các thành phố lớn. Do đó khi đại dịch chưa bùng phát, xu hướng người nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam lập nghiệp và làm việc cho thấy sự tăng cao qua các năm. Cũng từ đó, số gia đình người nước ngoài ở Việt Nam cũng tăng theo.

Tại Hội thảo Quốc tế “Thực trạng đời sống các gia đình đa văn hóa Việt Nam - nước ngoài: Cơ sở lý luận và so sánh xuyên quốc gia” được tổ chức vào cuối năm 2022, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM) đã nhấn mạnh dấu ấn của các gia đình có yếu tố nước ngoài, là kết quả của các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia, đã và đang trở thành xu hướng của thế kỷ 21. Trong đó, những dấu ấn của văn hóa Việt Nam - nước ngoài được hiển hiện rõ tại TP HCM là Việt - Hàn, Việt - Nhật, Việt - Hoa, Việt - Ấn, Việt - Thái, Việt - Pháp, Việt - Cam, Việt - Nga, Việt - Mỹ,...

Mặt khác, sự ra đời và tồn tại của các công ty môi giới hôn nhân ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có tâm lý ưa chuộng vợ hoặc chồng ngoại quốc. Cũng có nhiều phụ nữ quan niệm rằng đàn ông nước ngoài, đặc biệt là đàn ông phương Tây rất coi trọng vị trí của người phụ nữ trong gia đình nên đã tìm đến người đàn ông ngoại quốc làm “bến đỗ” của cuộc đời.

Ngoài ra cũng có một bộ phận các cô gái ở những vùng quê nghèo mong muốn đổi đời thông qua việc lấy được chồng người nước ngoài giàu có, cũng góp phần dẫn đến hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài ngày càng gia tăng. Bên cạnh những cuộc hôn nhân hạnh phúc thực chất thì cũng có rất nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề và nghiêm trọng đối với chính những thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Có thể lấy ví dụ điển hình như ở Hàn Quốc, một quốc gia có số lượng gia đình đa văn hóa khá cao. Theo thống kê về Dân số trong gia đình đa văn hóa năm 2020 của Tổng cục điều tra dân số Hàn Quốc cho biết trong năm 2019, cứ 10 cặp đôi kết hôn tại Hàn Quốc thì có 1 cặp thuộc trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 7,6%. Trong đó, 66,4% là chồng Hàn – vợ nước ngoài. Xét theo quốc tịch của người vợ, Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (23,5%), tức cứ 4 cặp đôi kết hôn đa văn hoá thì sẽ có một cặp là chồng Hàn và vợ Việt.

Đến nay, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách chú trọng hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Đặc biệt, Hàn Quốc tích cực đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ về giáo dục cho con em gia đình đa văn hóa. Trong đó, chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em được thực hiện dưới tên gọi “Lớp học hai ngôn ngữ”. Chương trình này bước đầu được áp dụng với trẻ em bậc tiểu học trong các gia đình có bố là người Hàn, mẹ là người Việt.

Các giáo viên dạy tiếng Việt, phần lớn là du học sinh, sinh viên của các trường đại học tại Hàn Quốc, họ đến tận nhà tư vấn, hỗ trợ và dạy tiếng Việt cho các con em người Việt. Hoặc chương trình cũng có thể được tổ chức dưới dạng các lớp học cuối tuần với các hoạt động học văn hóa, tham quan dã ngoại, tập hát, tập múa... nhằm nâng cao hiểu biết cho các con em người Việt về Việt Nam.

Nhiều cô dâu Việt Nam ưa chuộng lấy chồng Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)

Nhiều cô dâu Việt Nam ưa chuộng lấy chồng Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)

Đi kèm với nhiều thách thức

Sự ra đời và phát triển của gia đình đa văn hóa đã tác động không nhỏ đến văn hóa gia đình Việt Nam, đồng thời đặt ra nhiều thách thức để gìn giữ, bảo vệ các giá trị cốt lõi của gia đình. Dù có yếu tố đa văn hoá, gia đình vẫn là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, hầu hết các nhà nghiên cứu, phân tích đều nhất trí cho rằng, “nhân tố căn bản tạo nên mối bất hòa, sự căng thẳng và di hại đến thế hệ thứ hai trong gia đình đa văn hóa là rào cản ngôn ngữ và văn hóa”.

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp chủ đạo, thiếu công cụ giao tiếp thì khoảng cách giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái sẽ luôn là “bức tường ngăn cản”. Khi những người nước ngoài đến Việt Nam, đối mặt với những khác biệt về văn hóa và lối sống, những chuyển đổi về môi trường, kinh tế, giáo dục, ngôn ngữ cũng như nhận thức và tình cảm, họ gặp khá nhiều khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh sống mới. Đặc biệt, vấn đề giao tiếp có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng mối quan hệ trong hôn nhân, mối quan hệ với gia đình mở rộng, trong các quyết định nuôi dưỡng con cái,…

Cùng hoàn cảnh, cô dâu Việt Nam đi ra nước ngoài cũng phải đối mặt với những vấn đề khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán. Thậm chí, sự hạn chế về ngôn ngữ còn dẫn đến mâu thuẫn, xung đột văn hoá. Thực tiễn cho thấy nhiều đôi vợ chồng đa văn hóa, do thiếu công cụ giao tiếp đã nhanh chóng xuất hiện những đối kháng dẫn đến những cuộc chia ly vội vã.

Mặt khác, sự xuất hiện các gia đình nước ngoài ở Việt Nam cũng mang theo luồng văn hóa bản địa của nước họ vào Việt Nam, phần nào làm ảnh hưởng đến nền văn hoá nước nhà. Văn hóa phương Tây vốn đề cao tư tưởng tự do phát triển cá nhân nhưng mặt trái lại là lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ dẫn tới quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình. Nhiều ý kiến lo ngại, đối tượng đón nhận chủ yếu làn sóng văn hoá ngoại nhập chính là giới trẻ - thế hệ tương lại của đất nước.

Đáng nói, cơ hội học tập của trẻ trong gia đình đa văn hóa cũng có những hạn chế nhất định. Hạn chế về ngôn ngữ khiến khả năng tiếp thu kiến thức của các em không theo kịp các bạn, gốc gác “đa chủng tộc” cũng khiến cơ hội giao tiếp của các em trở nên hạn chế Nếu các em học tập tại các trường chuyên biệt thì cơ hội giao lưu với người bản địa ngày càng sẽ bị thu hẹp.

Bài toán lớn nhất đối với các cơ quan chức năng hiện nay là phải làm sao để cho các gia đình đa văn hóa thực sự có vai trò tích cực, nhân tố quan trọng xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của Việt Nam cũng như sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho những gia đình đa văn hóa ở Việt Nam, phải ngăn chặn được những hiện tượng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, không được sự đồng ý của đôi bên hoặc có yếu tố lừa đảo trong việc môi giới kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài nhằm mục đích trục lợi.

Việc hình thành những trung tâm tư vấn, những nơi hướng dẫn về văn hóa cộng đồng cũng như những nơi dạy ngôn ngữ là điều vô cùng cần thiết. Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các gia đình đa văn hóa, nhằm hỗ trợ cho các gia đình đa văn hóa phát triển, đoàn kết vững mạnh, con cái được học hành, thành đạt.