Thế nào là say nắng, say nóng
Theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ở Bắc Bộ ngày 18/5 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Ngày 19/5 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 23/5.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Điệp say nắng, say nóng thường hay xảy ra vào mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do tiếp xúc với nhiệt độ môi trường tăng cao và/ hoặc tăng hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt dẫn đến rối loạn mất khả năng kiểm soát thân nhiệt. Say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).
Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/ hoặc các hoạt động thể lực quá mức.
Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, kết hợp với làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém.
Trong khi đó, say nắng thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, và có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.
Biểu hiện khi bị say nắng, say nóng
Bác sĩ Điệp cho biết, khi say nắng, say nóng ban đầu sẽ xuất hiện các dấu hiệu nhẹ như nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời như: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điên giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, đái ra máu, ỉa ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Biểu hiện say nắng, say nóng. Ảnh: BVCC |
Những yếu tố thuận lợi dễ bị say nắng say nóng
Trẻ em hoặc người già vì khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng.
Sự thiếu thích nghi với khí hậu nắng nóng.
Tập luyện và làm việc trong môi trường nắng nóng.
Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bó sát, không thấm nước, hấp thụ nhiệt…).
Lao động trong môi trường nắng nóng, mất nước nhưng không uống đầy đủ nước, hoặc môi trường quá nóng làm mất nước nhanh chóng.
Đang dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: lợi tiểu, chẹn beta, kháng cholinergic, ethanol, kháng histamine.
Một số tình trạng bệnh lý, sốt, rối loạn nội tiết tố, béo phì, ….
Phòng tránh say nắng, say nóng
Đề phòng tình trạng say nắng, say nóng, bác sĩ Đặng Hoàng Điệp khuyến cáo, khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng đồng hồ làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
Tạo không gian thoáng mát trong môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
Khi vừa đi nắng về là thời điểm cơ thể con người tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Vào mùa nắng nóng, mọi người cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
Sơ cứu người bị say nắng, say nóng. Ảnh: BVCC |
Xử trí say nắng, say nóng
Bác sĩ Điệp nhấn mạnh: “Một điều cần nhấn mạnh là khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường”.
Khi gặp người bị say nắng, say nóng, phải thực hiện ngay các bước như sau:
Bước 1: Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát, …) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ.
Bước 2: Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch.
Bước 3: Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể.
Đo nhiệt độ cơ thể (nếu có nhiệt kế).
Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi ( bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt.
Bước 4: Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ
Bước 5: Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.
Bước 6: Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.