Xuân của những trái tim không ngủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm tháng đã đi qua, mùa Xuân đã không còn tiếng bom đạn, nhưng những trái tim anh dũng ấy vẫn thổn thức, bồi hồi mỗi độ Tết đến…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/07.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/07.

“Còn bao nhiêu ngày nữa thì đến Tết, các cô chú nhỉ?”

Trong căn phòng nhỏ của thương binh Nguyễn Đình Việt (68 tuổi, quê Vĩnh Phúc), vài bản nhạc Xuân đã được phát ra từ chiếc đài cát-sét thân thuộc. Lẩm bẩm hát theo những giai điệu trong thời khắc giao mùa, những thương bệnh binh khác đang được điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) cũng như đang cảm nhận phần nào hơi thở của một năm mới sắp đến.

Những ngày này, khuôn viên trung tâm lại được khoác thêm một màu áo mới, không khí cũng nhộn nhịp và hối hả hơn. Các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, mỗi người một tay, cố gắng hoàn tất những khâu chuẩn bị để các thương bệnh binh cùng thân nhân được đón cái Tết ấm áp, đủ đầy. Thấy chúng tôi về thăm, thương binh Bùi Ngọc Trung (56 tuổi, quê Hà Nội) đang nhẩm tính gì đó bỗng đứng bật dậy: “Còn bao nhiêu ngày nữa thì đến Tết, các cô chú nhỉ?”, trên gương mặt không dấu nổi sự hân hoan, mong chờ, đếm ngược thời gian đón năm mới.

Chẳng phải tự nhiên mà họ lại mong chờ Tết đến thế. Là bởi họ biết, Tết sẽ được về nhà, được đoàn tụ với gia đình, được quây quần bên những người thân yêu. Vậy nhưng, cũng có những người, dù gia đình rất muốn để họ ở nhà lâu hơn, nhưng di chứng của chiến tranh đã khiến tinh thần họ bất ổn, chẳng thể hòa nhập với những thứ mới lạ, lại quậy phá, buồn nhất là không thể nhận ra gia đình mình nữa.

Dường như họ đã quen với sự yên bình, giản dị, với không gian trong lành, với những người đồng đội, với sự chăm sóc của các nhân viên y tế tại trung tâm. Thậm chí, có thương binh còn khẳng định “ở đây thôi, nhất quyết không về”, khi được chúng tôi hỏi Tết có muốn về nhà không?

Đúng là không dễ dàng gì để chăm sóc một người vừa có tuổi, vừa mang trong mình nhiều đau đớn đến vậy, tình thương thôi là chưa đủ, phải gắn bó đủ lâu, mới có thể hiểu và chăm sóc tốt được cho các bác.

Khác với nhiều người được đón về, phía sau cánh cửa buồng của trung tâm, vẫn có những trái tim không ngừng thổn thức, cũng không biết năm nay đã là cái Tết thứ bao nhiêu họ gắn bó với nơi này. Trở về từ những năm tháng vừa đón giao thừa với một chiếc bánh tét, bốn gói chè cùng vài gói thuốc lá rê, vừa hành quân, giờ đây khi điều kiện vật chất tốt hơn, nhưng người thân lại chẳng còn, tinh thần cũng không minh mẫn, những thương binh ấy đã gửi gắm nốt phần đời còn lại cho nơi này, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

Nhìn những ánh mắt thất thần, những đôi bàn tay run rẩy, đến đôi đũa, chiếc thìa chẳng thể cầm vững, mới hiểu, những con người ấy đã hy sinh cho nền độc lập hôm nay nhiều biết chừng nào. Họ đã có cả thanh xuân không ngủ để bảo vệ Tổ quốc và giờ đây, khi đã ở những chặng cuối của con dốc cuộc đời, họ cũng chưa phút nào được yên giấc.

Đó là vết thương đau nhói mỗi khi trái gió trở trời, là hình ảnh mơ hồ về đồng đội, về những năm tháng bi thương mà oai hùng vẫn chập chờn trong mỗi giấc mơ. Với người bình thường, Tết là khoảng thời gian ý nghĩa, quý giá, thì với những người lính ấy, Tết cũng đặc biệt, thiêng liêng vô cùng.

Nơi đâu cũng là nhà

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Trung tâm hiện đang chăm sóc 113 thương bệnh binh. Hầu hết đều là những người có sức khỏe yếu, chấn thương sọ não, nhiều thương bệnh binh hay bệnh nhân da cam phải chăm sóc cần sự chăm sóc, phục vụ đặc biệt của các hộ lý, nhân viên y tế.

Trong phút chốc tỉnh táo, những ký ức lại ùa về trong tâm khảm mỗi người lính năm xưa.

Trong phút chốc tỉnh táo, những ký ức lại ùa về trong tâm khảm mỗi người lính năm xưa.

“Thấu hiểu những hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải quan tâm, chăm sóc và điều trị cho các bác như người thân. Hơn cả trách nhiệm của chiếc áo blouse trắng khoác trên mình, phải có tình thương, sự tận tụy của người làm công tác y tế. Công việc của chúng tôi đặc biệt vì những bệnh nhân cũng đều là những người vô cùng đặc biệt”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Chính vì vậy, mà Tết ở đây lúc nào cũng trang hoàng, ấm áp. Cũng có cành đào, đèn lồng, câu đối, có cả hoạt động gói bánh chưng để những thương bệnh binh không phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Phòng sinh hoạt chung cũng có mâm ngũ quả, bánh kẹo, có đủ các loại hoa nhiều màu sắc,..., làm không khí Tết lúc nào cũng nhộn nhịp, vui tươi.

Vào những ngày Tết, Nhân viên của Trung tâm cũng vô cùng tất bật. Y sĩ Lê Quang Đoan - Trưởng khoa điều trị I cho biết: “Ngoài việc lo Tết cho bệnh nhân, cán bộ, y, bác sĩ ở trung tâm còn phải luôn luôn sẵn sàng túc trực, theo dõi, lên đường bất cứ lúc nào, vì các bác toàn những người sức khỏe yếu, chỉ cần chuyển bệnh là phải đi bệnh viện ngay. Khó khăn là vậy, nhưng lúc nào chúng tôi cũng tự hào về công việc của mình”.

Một mùa Xuân nữa lại về, mùa Xuân được dệt nên một phần từ những con người ở nơi này - Những người con đất Việt năm xưa sẵn sàng bỏ lại phía sau bao hoài bão tuổi trẻ còn dang dở, xếp bút nghiên để chiến đấu, vì màu cờ đỏ tươi của Tổ quốc.

Là người đã gắn bó với các thương bệnh binh tại trung tâm 25 năm nay, điều dưỡng trưởng khoa điều trị III Đỗ Thị Thúy tâm sự: “Ngày nào cũng thế, tuy thần kinh không còn ổn định, nhưng lúc nào tỉnh hơn, thấy chúng tôi mua đào, mua quất, thấy có các đoàn về thăm, là các bác biết ngay sắp đến Tết, rồi lại háo hức hỏi như vậy”.

Đọc thêm