Xuân Mai vẫn trắng trợn “cướp” thương hiệu xi măng Trung Sơn

Mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai, tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên sử dụng trong suốt 2 năm qua, không chỉ trên những vỏ bao xi măng, sau lưng áo công nhân, trên ống khói nhà máy, mà thậm chí còn lấy đổi làm tên công ty. Thực tế đang diễn ra như một sự mỉa mai đối với hiệu lực quản lý nhà nước tại tỉnh Hòa Bình.

[links()]Mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai, tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên sử dụng trong suốt 2 năm qua, không chỉ trên những vỏ bao xi măng, sau lưng áo công nhân, trên ống khói nhà máy, mà thậm chí còn lấy đổi làm tên công ty. Thực tế đang diễn ra như một sự mỉa mai đối với hiệu lực quản lý nhà nước tại tỉnh Hòa Bình.

Ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vào ngày 11/10 cho thấy, nhà máy xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai nằm bên cạnh đường Hồ Chí Minh tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vẫn hoạt động bình thường. Lô-gô và nhãn hiệu “Xi măng  Trung Sơn” được in nhiều nơi.

Trước đó, một website mang tên “ximangtrungson” đã được lập ra để “quảng bá” cho mẫu nhận diện thương hiệu mới với lô-gô hình một con chim có mào màu đỏ đang sải cánh trong vòng tròn; chữ “Xi măng Trung Sơn” viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh chạy chung quanh.

Bà Mai - một người bản địa sống cạnh nhà máy xi măng này - cho phóng viên hay, bà cũng không hiểu lắm về ý nghĩa của hình vẽ này. “Tôi thấy xi măng họ hay in con voi, có vẻ chắc chắn, hợp với xi măng, không hiểu sao nhà máy này lại lấy con chim để làm biểu tượng, chắc họ muốn bay như chim” - bà này đoán.

Trong khi đó, website của công ty khoe: “Xi măng Trung Sơn được phân phối trên toàn bộ khu vực Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ thông qua hệ thống phân phối và đại lý năng động, chuyên nghiệp và nhạy bén với thị trường…”.

Xi măng Trung Sơn đang bị cướp thương hiệu một cách trắng trợn, bất chấp pháp luật.

Hồi năm ngoái, Báo PLVN đã có loạt bài đề cập đến vụ “cướp” thương hiệu xi măng này. Theo đó, dự án Nhà máy Xi măng Trung Sơn đã được đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/2005/QT-TTg. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh).

Nhưng “trồng cây sắp đến ngày hái quả”, đến khi làm thủ tục để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, Công ty Bình Minh bất ngờ phát hiện thấy ngoài vỏ bao xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai, trụ sở tại xã Thành Lập, huyện Lương Sơn có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn” trùng với tên Nhà máy Xi măng Trung Sơn của Bình Minh.

Sau khi xem xét đơn của Công ty Bình Minh, ngày 8/12/2010 Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra Quyết định 2470 hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã cấp cho Công ty Xuân Mai.

Công ty Xuân Mai không đồng ý với quyết định này và đưa đơn ra tòa kiện Cục Sở hữu trí tuệ. Như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, ngày 24/2/2012 TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty Xuân Mai và bị đơn là Cục Sở hữu trí tuệ.

Trong vụ kiện, nguyên đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ  hủy bỏ Quyết định 2470 của cơ quan này về việc hủy bỏ một phần hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 về việc giải quyết khiếu nại hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trần Dũng Tiến. Theo Bản án số 01/2012/HCST cho thấy, Tòa này “chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện” của Công ty Xuân Mai, đồng thời tuyên “hủy Quyết định số 2470 ngày 8/1/2010 về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 ngày 13/5/2011 về việc giải quyết khiếu nại quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” của Cục Sở hữu trí tuệ.

Phán quyết của chủ tọa Tiến đồng nghĩa với việc Công ty Xuân Mai được dùng nhãn hiệu “Xi măng Trung Sơn”. Ngay sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã kháng án. Đồng thời, đại diện Công ty Bình Minh cũng chính thức có đơn tố cáo Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trần Dũng Tiến điều khiển phiên tòa một cách thiên vị.

Mặc dù bản án của phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp lý cuối cùng và quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ vẫn đang có hiệu lực, tuy nhiên Công ty Xuân Mai vẫn bất chấp pháp luật, ngang nhiên sử dụng thương hiệu “Xi măng Trung Sơn”. Trong khi đó, phía các cơ quan chức năng lại làm ngơ, không có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời để tránh thiệt hại về tài sản, thương hiệu cho Công ty Bình Minh nói riêng và đảm bảo sự trong lành cho môi trường đầu tư địa phương nói chung.

Không những thế, điều tra của phóng viên còn cho thấy một số vị tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình còn có nghi vấn tiếp tay cho sai phạm. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc diễn biến vụ “cướp” thương hiệu này.             

Nhóm PV

Đọc thêm