Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Đáng chú ý, để đạt được mục tiêu không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là để giải quyết những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng Diên đề nghị các các doanh nghiệp nhà nước (gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ và Công ty Cổ phần Xăng dầu Sài Gòn) khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và "ứng cứu" cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khuyến khích, động viên các doanh nghiệp sản xuất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối của mình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân có điều kiện (đã và đang được phân giao) phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao, vượt định mức càng tốt. Sẵn sàng bù đắp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình.
Hành động này sẽ được Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành ghi nhận, phản ánh và đề xuất các cấp có thẩm quyền để có sự can thiệp khi xem xét tới quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được bảo vệ nhưng nghĩa vụ của các doanh nghiệp này cũng phải thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao, dù khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn khẳng định cung ứng được đến 80% từ nguồn cung trong nước nhưng trong số đó cũng vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu). Do Việt Nam nhập dầu thô từ nước ngoài nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.
Do đó, với việc đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt, cả các thị trường lớn đang rất căng thẳng thì dự báo trong thời gian tới sẽ càng khó khăn hơn nên phải sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, hiện trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu của cả nước, mới chỉ có 22 doanh nghiệp thực hiện đạt và vượt kế hoạch được phân giao, kế hoạch bổ sung.
“Đến thời điểm cho phép, sẽ đề xuất xử lý các doanh nghiệp không thực hiện theo kế hoạch”, Bộ trưởng nói.