Xuất khẩu cuối năm nhiều thuận lợi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều kỳ vọng cho rằng, xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu đề ra khi các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm đều đang có những cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch trong những tháng cuối năm nay.
Sau 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD. (Ảnh minh họa/VNE)
Sau 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD. (Ảnh minh họa/VNE)

Kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/8, tổng trị giá xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 33,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,55 tỷ USD (tăng 28,9%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 5,27 tỷ USD (tăng 21,3%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,48 tỷ USD (tăng 11,1%)… so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, sau 8 tháng của năm 2024, XK nông, lâm, thuỷ sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch XK nông sản đạt 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; rau quả ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6%.

XK dệt may mặc của cả nước sau 7 tháng cũng tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch XK dệt may Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch XK đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Bên cạnh đó, XK mặt hàng này sang thị trường Hoa Kỳ lần đầu tiên sau nhiều tháng đã hồi phục nhẹ so với thời điểm trước dịch COVID-19. Đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động XK sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu hàng dệt may nói chung của Việt Nam.

Nhiều mặt hàng kỳ vọng vào giai đoạn cuối năm

Đại diện Vinatex cho biết, có nhiều dấu hiệu dự báo cho thấy, XK mặt hàng dệt may của cả nước sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới. Cụ thể, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tăng sản xuất cho các đơn hàng cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng gối sang đầu năm 2025. XK hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu (EU), Nhật Bản đang hồi phục tốt.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong những tháng cuối năm, với kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm thứ ba liên tiếp tổng kim ngạch XK đạt trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

Trong đó, một số ngành hàng chủ lực như dệt may được dự báo có thể tiếp tục tăng XK sang Hoa Kỳ trong thời gian tới khi mùa Thu Đông đang đến cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024.

Chưa kể, hiện hàng tồn kho của các quốc gia này cũng đã giảm mạnh, buộc phải gia tăng nhập khẩu. Trong đó, theo lãnh đạo Vinatax, các hãng thời trang lớn có mức giảm tồn kho rất tích cực trong quý II/2024, đặc biệt Nike giảm tới 11% tồn kho, Levi’s giảm 7%.

Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với khoảng 49% tăng trưởng lợi nhuận, Uniqlo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 36%. Lợi nhuận của các hãng thời trang tăng lên cũng hy vọng việc cải thiện giá đặt hàng của các nhà sản xuất cho các doanh nghiệp Việt.

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, dựa trên kết quả XK của 7 tháng qua, từ phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong cả năm 2024 là hoàn toàn có thể. Đây được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để tiếp tục XK thuận lợi trong năm 2025.

Tuy nhiên, để thúc đẩy XK hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp quan trọng lúc này là tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đây là thị trường mà Việt Nam có nhiều ưu thế để gia tăng kim ngạch XK khi vẫn đang là thị trường nhập khẩu nông sản - trái cây Việt Nam nhiều nhất.

Trong đó, mặt hàng sầu riêng đang được hy vọng có nhiều đột phá khi 2 quốc gia đã chính thức ký nghị định thư cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Cần phải nhắc lại rằng, năm 2023 - năm đầu tiên sầu riêng Việt Nam XK chính ngạch sang Trung Quốc đã đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Do đó, với việc XK thêm sầu riêng đông lạnh, mặt hàng này đang hứa hẹn sẽ mang về cho Việt Nam tổng giá trị XK lên khoảng từ 3,2 - 3,5 tỷ USD trong năm 2024.

Đọc thêm