Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, ngay sau Tết thị trường xuất gạo đã đối mặt nhiều thông tin “kém vui”. Trong khi, nhiều nông dân cho rằng thông tin dự báo về thị trường xuất khẩu gạo cần được cơ quan nhà nước chủ động cung cấp một cách khách quan, tránh để xảy ra trường hợp doanh nghiệp thao túng để “làm giá”.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2011 |
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, trong quý 1/2012, xuất khẩu gạo sẽ giảm hơn so với cùng kỳ; có khả năng xuất khẩu chỉ đạt trên 1,1 triệu tấn.
Cũng theo VFA, xuất khẩu gạo trong năm 2012 đối mặt nhiều vấn đề lớn. Ngay từ các tháng cuối năm 2011 đã xuất hiện những khó khăn về xuất khẩu gạo, do sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường gạo cấp thấp. Lâu nay chúng ta vẫn “ung dung” vì có hai “thị trường ruột” tiêu thụ nhiều gạo của Việt Nam, đó là thị trường châu Á - chiếm gần 67% thị phần trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và thị trường châu Phi - chiếm khoảng 23%. Nhưng đến nay, gạo Việt Nam đã “vấp phải hòn đá tảng” đó là nguồn cung gạo cấp thấp của Ấn Độ, Myanmar và Pakistan.
VFA cho rằng điều này đã tác động khiến giá lúa gạo nội địa giảm mạnh thời gian qua. Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường hiện khoảng từ 5.500 - 5.600 đồng/kg, lúa dài 5.600 - 5.700 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.400 - 7.500 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.300 - 7.400 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.600 - 8.700 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.200 - 8.300 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.900 - 8.000 đồng/kg; mức giảm chung khoảng 1.000 đồng/kg.
Giữ thị trường cũ, mở thị trường mới
Theo một số dự báo, nhiều khả năng, gạo cấp thấp của chúng ta có thể bị mất khoảng 20% thị trường ở khu vực châu Phi, chỉ còn lại 3% gạo chất lượng cao ở thị trường này là có thể giữ được. Thêm khó khăn nữa, năm 2012, Việt Nam sẽ không ký thêm được với Indonesia vì nước này đã đủ lượng gạo dự trữ, còn Bangladesh thì đã quay sang mua gạo của Ấn Độ.
Trước tình hình này, VFA nói rằng đã lên kế hoạch sẽ thu mua tạm trữ sớm. Cụ thể, nếu giá lúa rớt xuống 5.000 đồng/kg thì các doanh nghiệp cam kết chủ động thu mua tạm trữ để giữ giá cho nông dân. Trong trường hợp giá lúa thấp hơn mức 5.000 đồng/kg thì VFA sẽ kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ để bảo đảm nông dân trồng lúa có lãi 30%.
Một mặt, hiệp hội này khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên tập trung giữ được các thị trường truyền thống, trong đó thị trường có khả năng nhập khẩu lớn trong quý 1 và 2 là Philippines; đồng thời, xúc tiến thương mại để bán gạo chất lượng cao vào các thị trường đã mở ở Tây Phi và các nước châu Á.
Đặc biệt, trong năm 2012 sẽ tiến hành thành lập Câu lạc bộ kinh doanh xuất khẩu gạo giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc, để hai bên phối hợp đưa gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam hiện đang xây dựng thị trường về gạo chất lượng cao và trong năm 2012 cũng được coi là có nhiều cơ hội để gạo thơm Việt Nam chiếm thị phần, vì hiện tại giá gạo thơm Việt Nam rẻ hơn so với gạo Thái Lan.
Một số thương gia bày tỏ lo ngại về việc năm 2012 vẫn sẽ tái diễn một “kịch bản” cũ: giá cao lên khi thị trường tăng giá và giá thấp xuống khi có tác động xấu của thị trường. “Về lâu dài, muốn có sự ổn định về chất lượng cũng như định vị được giá gạo, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tính toán lại mức giá xuất khẩu trên cơ sở cân đối giá các nước mua và các nước bán chứ không thể căn cứ vào giá gạo Thái Lan” – một thương gia bày tỏ.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, điều cần kíp hơn hiện nay là một sự vào cuộc sát sao và khách quan của cơ quan nhà nước hữu trách trong việc phân tích và công bố thông tin dự báo về thị trường xuất khẩu gạo. Theo các ý kiến này, thông tin thị trường hiện nay gần như nằm trong tay VFA và không loại trừ khả năng bị một số DN bóp méo để “làm giá” nông dân khi cần.
Mai Hoa