Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác điều hành xuất khẩu (XK) gạo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Tổ trưởng. Tổ công tác này gồm đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Công Thương, NN & PTNN, Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, với lượng tồn kho và dự trữ lớn, dự báo thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục khó khăn.
Xuất khẩu gạo Việt Namcđứng nhất nhì thế giới về số lượng. Ảnh: Internet |
Thị trường gạo đầy rẫy khó khăn
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 ước đạt 463 nghìn tấn, với giá trị 202 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,69 triệu tấn và 2,05 tỷ USD, giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, giá bình quân 7 tháng đầu năm chỉ là 438,49 USD/tấn, giảm 3,2 % so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, đạt trên 1,47 triệu tấn với giá trị đạt 609,13 triệu USD, chiếm 32,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng lần lượt là 9,6% và 6,8%. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Singapore, Angola, Gana và Hồng Kông cũng tăng mạnh, tương ứng tăng 62,8%, 23,1%, 28,4% và 17,3%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một nghịch lý mặc dù đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá bán, giá xuất khẩu lại ở cuối bảng xếp hạng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh thị trường thế giới đối với mặt hàng gạo có nguồn cung khá dồi dào, nhiều nước tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo không chỉ có riêng Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, nhu cầu lại đang có xu hướng chững lại, các nước nhập khẩu cũng hạn chế nhập khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, mặc dù có những bối cảnh bất lợi về mặt thị trường, cũng như có tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu gạo, nhưng con số xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đạt được những giá trị lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định, từ đầu năm đến nay thị trường gạo thế giới diễn biến phức tạp, có sự gia tăng nguồn cung và tham gia của một số nước mới đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo đầu ra, duy trì thị phần và bảo vệ thị trường xuất khẩu gạo, cần có sự cải thiện trong định hướng thị trường, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, bảo vệ lợi ích chung.
Đặc biệt, trong những tháng sắp tới, thị trường gạo thế giới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với lượng gạo tồn kho và dự trữ lớn, dẫn đến khả năng các nước xuất khẩu gạo sẽ xả hàng, đẩy hàng tồn kho ra thị trường. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam phải khẩn trương xác định và đánh giá nhu cầu thị trường chính xác để tổ chức xuất khẩu phù hợp.
Vất vả tìm hướng đi
Bộ Công Thương cho biết, trước áp lực của thị trường xuất khẩu gạo, Bộ đã và đang nỗ lực tìm đầu ra cho hướng đi của gạo. Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành chỉ thị đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác tiêu thụ gạo cũng như thủy sản.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu có giao nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương tổ chức chương trình doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, trong đó đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền thương hiệu, nhãn hiệu cho các mặt hàng nói chung trong đó có mặt hàng gạo.
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng tập trung lớn vào mặt hàng gạo cũng như các mặt hàng nông sản - là những mặt hàng đang được ưu tiên để xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung chỉ đạo các cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài (thương vụ) tích cực tìm đầu ra cho các sản phẩm gạo.
Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan như giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên cổng thông tin điện tử, truyền hình… cũng góp phần tìm đầu ra cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Còn theo số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam, Châu Phi có thể sẽ là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong những năm gần đây, châu Phi đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, chiếm bình quân 15-20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm của Việt Nam, đứng thứ ba sau hai thị trường xuất khẩu gạo của chính Việt Nam là châu Á và Trung Đông. Hiện giá gạo xuất sang châu Phi có xu hướng tăng và các nhà nhập khẩu châu Phi đang tìm mua gạo thơm vì giá bán vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan.
Chấn chỉnh sự bát nháo từ “sân nhà”
Trong khi thị trường gạo thế giới ngày càng nhiều áp lực thì theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn, qua khảo sát cụ thể về các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đã có những thời điểm số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam lên tới gần 300 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực về hệ thống hạ tầng như kho bãi, nhà máy xay, xát… không đủ năng lực trong đàm phán hợp đồng. Chính điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn theo tính chất ngắn hạn, đặc biệt là cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu gạo Việt Nam, ảnh hưởng đến giá cả xuất khẩu gạo.
Bởi vậy, trong Quy hoạch Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương xác định mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân, đảm bảo tối đa 150 đầu mối; gắn địa bàn hoạt động của thương nhân với các vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn.
Sau đó, từng bước củng cố, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân theo chiều sâu và hiệu quả xuất khẩu. Từ tháng 9 đến tháng 10/2013, Bộ Công Thương sẽ tiến hành các bước triển khai Quy hoạch mới để cấp phép cho các thương nhân đủ điều kiện.
Sẽ linh hoạt điều hành thị trường thóc gạo
Theo Quyết định về việc thành lập Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo, nhiệm vụ của Tổ công tác là tư vấn về các vấn đề liên quan đến điều hành XK gạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong điều hành XK gạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành XK gạo.
Tổ công tác cũng có nhiệm vụ theo dõi diễn biến tình hình thị trường thóc, gạo thế giới và trong nước để tư vấn những biện pháp điều hành XK gạo, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Thủ tướng Chính phủ về tình hình XK gạo và những vấn đề phát sinh trong hoạt động XK gạo.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất biện pháp, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, XK thóc, gạo để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hoặc tham gia với các Bộ, ngành, địa phương liên quan như: điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, quy hoạch kho chứa, cơ sở xay, xát, thóc, gạo; vấn đề thu mua, tạm trữ thóc gạo, xây dựng vùng nguyên liệu, điều tiết bình ổn thị trường nội địa, tín dụng đầu tư, tín dụng XK.
Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất, điều hành và kinh doanh XNK lương thực, thóc gạo. Về quy chế hoạt động, Tổ công tác hoạt động theo nguyên tắc thảo luận dân chủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên, Thường trực Tổ công tác (Bộ Công Thương) tổng hợp tình hình, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan theo nhiệm vụ được giao.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gạo trong điều kiện khó khăn này, Tổ điều hành xuất khẩu gạo đã đề xuất nhiều giải pháp như, nỗ lực liên kết, phối hợp, bám sát các chương trình xúc tiến của quốc gia; đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển những thị trường tiềm năng; định hướng chất lượng các hợp đồng xuất khẩu gạo, tránh nguy cơ bị hủy hợp đồng.
Trong đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đóng vai trò quan trọng ở khâu theo dõi, bám sát tình hình thị trường; thiết lập liên kết doanh nghiệp xuất khẩu – nông dân – tổ chức tham gia xuất khẩu gạo. Đặc biệt, VFA sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nguồn cung, đảm bảo sản lượng gạo phù hợp cho hoạt động xuất khẩu của năm 2014, góp phần cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.
Lan Phương