Xuất khẩu gỗ sẽ lập kỷ lục?

(PLO) - Đã cán mốc 8 tỷ USD trong năm 2017, xuất khẩu ngành hàng gỗ tiếp tục đặt ra kỳ vọng lớn khi kim ngạch dự báo sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm nay. 
Năm 2017, ngành gỗ xuất siêu gần 5,8 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu gỗ chỉ đạt 2,2 tỷ USD
Năm 2017, ngành gỗ xuất siêu gần 5,8 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu gỗ chỉ đạt 2,2 tỷ USD

Xuất siêu gần 5,8 tỷ USD

Năm 2017, đánh dấu sự thành công của ngành nông lâm thủy sản, khi tốc độ tăng trưởng vượt so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong nhóm hàng nông lâm sản, thì gỗ và sản phẩm gỗ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu (XK), chiếm tới 27% tổng kim ngạch của nhóm hàng này.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng giá trị XK lâm sản xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016. Trong đó 3 thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản chiếm 70,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Rất ấn tượng, ngành hàng gỗ đã xuất siêu gần 5,8 tỷ USD trong năm 2017, trong  khi tổng giá trị nhập khẩu gỗ chỉ đạt 2,2 tỷ USD.   

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính giúp cho ngành gỗ có thể đạt được tăng trưởng khả quan, trước hết là nhờ nhóm sản phẩm đồ gỗ tăng cao hơn so với nhóm gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2017, nhất là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam về XK.  

Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, đã được ký kết và có hiệu lực, cũng được cho là hỗ trợ không nhỏ cho XK gỗ. Theo nhận định, XK ngành hàng này năm 2018 sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Hướng tới mốc 10 tỷ USD

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mặc dù trong năm 2017, ngành chế biến gỗ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết không thuận lợi và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thị trường, song với sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ, XK lâm sản Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.

 Bộ NN&PTNT xác nhận, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch XK đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN và đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà ngành chế biến gỗ đã đạt được những kết quả tích cực trong năm vừa qua. Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước và của ngành lâm nghiệp nên mục tiêu phấn đấu của ngành hàng đặt ra là sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ. 

Phát biểu tại lễ mừng xuất khẩu lâm sản Việt Nam năm 2017 về đích trước kế hoạch và triển vọng ngành chế biến gỗ giai đoạn 2018 – 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị ngành lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và XK. 

“Bên cạnh chủ động khai thông thị trường thương mại quốc tế, hoàn thành việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT, chủ động hợp tác thương mại hợp tác quốc tế với Nga, Úc và Hàn Quốc, các doanh nghiệp ngành hàng gỗ cần nỗ lực bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, phát triển thị trường XK lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh. 

Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng cam kết sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng và vận hành “Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam” và “Hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia” được quốc tế công nhận để đảm bảo gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Việt Nam là hợp pháp, đáp ứng quy định của Hoa Kỳ, EU, Úc…về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp. 

Tiêu thụ nội địa 4 tỷ USD, xuất khẩu 10 tỷ USD

“Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà ngành chế biến gỗ đã đạt được những kết quả tích cực trong năm vừa qua. Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước và của ngành lâm nghiệp nên mục tiêu phấn đấu của ngành hàng đặt ra là sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ”

Đọc thêm