Để gắn kết sâu rộng Việt Nam vào thị trường toàn cầu có giá trị cao và chất lượng cao cho các sản phẩm nông sản trong đó có gạo. Trong thời gian qua, Việt Nam không ngừng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tiến hành ký kết, thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do và 2 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương thực hiện nghi thức cắt băng tại lễ xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 với 1.600 tấn. |
Việt Nam xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 với 1.150 tấn gạo Hương Lài đến thị trường Malaysia với giá 750 USD/tấn và xuất khẩu khoảng 450 tấn gạo Jasmine sang thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn. Đây được xem là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất của Việt Nam. Sự kiện lần này có ý nghĩa tích cực kể từ sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 15/11/2020 vừa qua, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với ASEAN.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh, thành tham quan quá trình đóng gói lô hàng gạo xuất khẩu đầu năm 2021. |
“Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển thị trường khu vực Đông Nam Á, chú trọng nâng cao chất lượng hướng đến cạnh tranh về mặt bằng và giá cả. Chúng ta hướng đến phân khúc thị trường trung và cao cấp, Việt Nam với sự đa dạng nhiều chủng loại giống lúa chất lượng cao đáp ứng được thị hiếu thị trường, theo dự báo tình hình lương thực thế giới đến năm 2021 nguồn cung sẽ không đáp ứng đủ nguồn cầu” - ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Quốc gia Việt Nam cho biết.
Hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ trên 7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt là giá gạo tăng liên tục đã đánh dấu mức tăng trưởng lịch sử trong một thập kỷ qua: tăng trên 9% về giá trị trong khi đó khối lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.