Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch XK tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng: Lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; Thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; Nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; Chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; Đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Về thị trường, giá trị XK NLTS tới các thị trường đều tăng. Trong đó XK sang khu vực Châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); Châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); Châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); Châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%); Và Châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).
Giá trị XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.
Về nhập khẩu (NK), trong tháng 1/2024, kim ngạch NK đạt 3,72 tỷ USD, tăng khá cao 45,1% do các nhóm hàng NK đều tăng: Nông sản 2,2 tỷ USD, tăng 41,1%; sản phẩm chăn nuôi 300 triệu USD, tăng 46,8%; thuỷ sản 250 triệu USD, tăng 33,9%; lâm sản 253 triệu USD, tăng 100,7%; đầu vào sản xuất 701 triệu USD, tăng 47,3%; muối 4,3 triệu USD, tăng 39,8%.
Về thị trường, giá trị NK NLTS từ các khu vực đều tăng. Trong đó: Từ châu Mỹ tăng 22,2%, đạt 849 triệu USD; Châu Phi tăng 49,6%, đạt 164 triệu USD; Châu Á tăng 56,4%, đạt 1,05 tỷ USD; Châu Âu tăng 54%, đạt 163 triệu USD; Và châu Đại Dương tăng 37,1%, đạt 256 triệu USD.
Như vậy, trong tháng đầu năm ngành nông nghiệp xuất siêu 1,43 tỷ USD, tăng gấp 4,6 lần so với tháng cùng kỳ năm 2023. So với số liệu xuất siêu trong tháng 1/2024 Tổng cục Thống kê công bố 2,92 tỷ USD, xuất siêu trong lĩnh vực NLTS chiếm gần 1 nửa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (ảnh: nguoiduatin.vn) |
Trao đổi với báo chí hôm 1/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường đang phục hồi tốt. “Mặt hàng nào XK cũng tăng đột biến: XK gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6-81% tùy mặt hàng; XK hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%…” - ông dẫn chứng.
Theo Thứ trưởng, năm 2021-2023, ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, sang 2024 là năm tăng tốc. “Kim ngạch XK trưởng chưa từng có, đây là tín hiệu phấn khởi đầu năm..." - Thứ trưởng hào hứng
Riêng về thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Nhưng muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu.
Ngoài Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cũng xác định Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm.
“Tới đây, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Đồng thời, tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh XK hàng NLTS chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng XK mới…” - Thứ trưởng cho biết thêm.
Bảo đảm nguồn hàng phục vụ tiêu dùng Tết
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong tháng 1, giá hầu hết các mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 11/2023 do nhu cầu cao dịp cận Tết Nguyên đán, nhưng tương đối ổn định và tăng giảm đan xen so với thời điểm tháng 12/2023. Ngoại trừ 02 mặt hàng tiếp tục tăng cao Chè búp, chè móc câu (19-30%), Ớt chuông (33%);
Một số mặt hàng tăng nhẹ như hạt tiêu đen (5%), cà phê (4-9%), gạo thường (trên 6%), xoài cát chu (8%), thanh long ruột đỏ (3,4%), thanh long ruột trắng (4,5%), tôm nguyên liệu (4%), cá nguyên liệu (5-6,7%); riêng mặt hàng chăn nuôi có xu hướng giảm từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay như lợn hơi (10,5%), bò hơi (2,5%), gà lông màu (2,3%), gà công nghiệp (6,8%).
Nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản dồi dào, bảo đảm phục vụ tiêu dùng dịp Tết nguyên đán, giá cả không biến động nhiều thậm chí một số mặt hàng giảm do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng; nhu cầu năm nay có tăng hơn so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.