Xuất khẩu nông sản: Cần tận dụng dụng tốt “giấy thông hành”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng chục loại trái cây của Việt Nam đã được chỉ dẫn địa lý ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. Nhưng tận dụng “giấy thông hành” này sao cho hiệu quả lại là vấn đề không dễ.
Mới chỉ có vải thiều tận dụng được “giấy thông hành” sang châu Âu.
Mới chỉ có vải thiều tận dụng được “giấy thông hành” sang châu Âu.

17 loại quả được bảo hộ ở thị trường khó tính

Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản, thanh long Bình Thuận mới được Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản chấp nhận cấp bằng bảo hộ chính thức. Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT - Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí, câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (BHCDĐL) thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản là một câu chuyện dài và khá khó khăn.

Nhật Bản là một thị trường “khó tính” cùng những quy định pháp luật về BHCDĐL rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Vì vậy, để có thể vượt qua, Cục SHTT đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường, vừa hoàn thiện hồ sơ đăng ký BHCDĐL đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản vừa tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Cùng với đó, Cục SHTT cũng viện dẫn Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục SHTT và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Trong đó, 2 bên cam kết thúc đẩy BHCDĐL 2 nước và trên cơ sở Bản ghi nhớ, 2 bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký BHCDĐL tại nước còn lại.

Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn. Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản, sau quả vải thiều Lục Ngạn.

Ngoài Nhật Bản, nhiều loại quả khác của Việt Nam cũng đã được BHCDĐL ở châu Âu (EU). Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, 39 sản phẩm của Việt Nam đã được thị trường này bảo hộ. Trong đó gồm các loại quả: vải Thanh Hà, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, xoài Hòa Lộc, hồng Bắc Kạn, mãng cầu Bà Đen, hồng Bảo Lâm, bưởi Phúc Trạch, xoài Yên Châu, quýt Bắc Kạn, bưởi Luận Văn, vú sữa Vĩnh Kim, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng, nho Ninh Thuận, bưởi Bình Minh, bưởi Tân Triều.

Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể được coi như "giấy thông hành" để vào thị trường khó tính bởi điều này đồng nghĩa với việc danh tiếng và chất lượng đã được xác nhận, đồng nghĩa với việc giá bán sản phẩm sẽ được tăng lên đáng kể và trở thành một công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu (XK).

Nhưng mới chỉ là điều kiện cần

Đại diện Cục SHTT khẳng định, BHCDĐL mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Bởi để tận dụng được giá trị từ loại “giấy thông hành” này còn cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, Bộ, ngành, để thanh long Bình Thuận có thể tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất các loại quả này để đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng XK sang các thị trường khó tính như đã đăng ký. Quá trình trồng và sản xuất này cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát để giữ vững chất lượng, qua đó giữ được thị trường.

Tương tự, dù đã được BHCDĐL 17 loại quả nhưng Việt Nam mới chỉ xuất được rất ít loại quả trong số này sang thị trường EU. Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương), có chỉ dẫn địa lý ở EU là lợi thế không thể chối bỏ của hoa quả Việt Nam nhưng các loại hoa quả này cũng cần phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. EU có hàng loạt quy định, yêu cầu của họ rất khắt khe, nhất là các quy định về các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thực phẩm.

Cụ thể, các mặt hàng nông sản XK vào EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn, tương tự hệ thống quản lý chất lượng ISO).

Đây là thách thức không nhỏ với Việt Nam, bởi hiện nay, tỉ lệ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam) và số lượng các sản phẩm theo mô hình này còn chưa nhiều. Đó chính là lý do mà Cục XTTM đã và đang đồng hành cùng với các vùng trồng để có thể hướng dẫn quy trình tối ưu nhất, cho ra những sản phẩm hoa quả đạt chất lượng để có thể xuất sang EU.

Việc thử nghiệm và XK thành công vải thiều Thanh Hà, vải thiều Bắc Giang với mã QR code sang EU mùa hè vừa qua sẽ là khởi đầu thuận lợi và tạo ra một quy trình chuẩn để Cục XTTM có thể áp dụng với các loại quả khác đã được BHCDĐL ở EU để sớm tận dụng được giấy thông hành này, nâng cao giá trị XK cho nông sản Việt Nam.

Đọc thêm