Xuất khẩu nông sản có thể lập kỷ lục 55 tỷ USD

(PLVN) -  Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu không có đột biến và các lĩnh vực duy trì được tốc độ sản xuất như 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể lập kỷ lục 55 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản lạc quan với mục tiêu 55 tỷ USD.

9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) tăng mạnh những tháng đầu năm; khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động kép của xung đột Nga – Ukraina..., ngành Nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng,... “Điều này khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước”, ông nói.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu (XK) ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu (NK) ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cũng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, XK nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38,0%... Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị XK cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,0 tỷ USD (tăng 21,0%); cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); mây, tre, cói thảm 654 triệu USD (tăng 3,4%), phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%).

Chủ động, linh hoạt thích ứng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, Chính phủ giao chỉ tiêu XK 50 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay từ giữa năm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhận định, ngành Nông nghiệp chắc chắn đạt và vượt con số này. “Nếu không có đột biến và các lĩnh vực duy trì được tốc độ sản xuất như 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK NLTS có thể lập kỷ lục 55 tỷ USD” - ông Tiến nhận định.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, đến thời điểm này, chúng ta đã có sự thích ứng với tác động xấu từ tình hình thế giới. Tuy nhiên, do nền kinh tế mở, những biến động của thị trường thế giới sẽ tác động đến các lĩnh vực của ngành trồng trọt, đặc biệt là giá vật tư đầu vào, phân bón… Riêng ngành lúa gạo, lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định, Việt Nam chủ động về giống, đảm bảo các chỉ tiêu về sản xuất, XK và ít chịu tác động của về biến động về tỷ giá.

Về vật tư nông nghiệp, để giải quyết khó khăn chi phí tăng cao, Cục Trồng trọt đã có hướng dẫn về một số quy trình canh tác, tăng cưởng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp…, qua đó có thể giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Là ngành có tốc độ tăng trưởng XK lên tới 38%, đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, mặc dù còn khó khăn về chi phí đầu vào (nhất là giá xăng), song theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đây là trợ lực giúp ngành thủ sản cán đích 10 tỷ USD kim ngạch XK trong năm nay, trong đó các mặt hàng chủ lực vẫn là tôm, cá tra.

Liên quan đến yếu tố đồng USD tăng cao, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với việc đồng USD tăng giá, hàng hóa của Việt Nam sẽ trở nên rẻ hơn trên trường quốc tế. Đây là trợ lực cho XK và ở chiều ngược lại, VNĐ đang bị sức ép mất giá do thâm hụt cán cân vãng lai, góp phần giúp hàng hóa XK tiếp cận được nhiều đối tượng hơn. Thêm “trợ lực” nữa là nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các quốc gia phương Tây luôn tăng cao vào 3 tháng cuối năm và điều này từng giúp ngành Nông nghiệp tăng trưởng "nóng" hồi cuối năm 2021.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian qua chúng ta đã chủ động, linh hoạt, kịp thời xoay trục cả trong cơ cấu mặt hàng XK lẫn chỉ đạo sản xuất và mở cửa thị trường. “Chúng ta cần đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp. Bên cạnh việc vẫn phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn ở các thị trường chính (đặc biệt thị trường Mỹ đang chiểm gần 26% thị phần), cần mở rộng thị trường, cơ cấu lại sản phẩm, sụt giảm đơn hàng chỗ này phải tăng đơn hàng chỗ khác, quyết liệt với mục tiêu XK…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Đọc thêm