Việt Nam - quốc gia top đầu về chăn nuôi lợn
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nay Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt so với thế giới (năm 2022).
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, giai đoạn 2019 - 2022, đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ) mặc dù giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nhưng đã dần khôi phục lại như thời điểm trước dịch (do ảnh hưởng của DTLCP, đàn lợn giảm xuống mức thấp nhất khoảng 20,2 triệu con năm 2019) và bắt đầu tăng trưởng trở lại từ năm 2020 và đạt khoảng 24,7 triệu con vào năm 2022 (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 đạt 5,6%). Ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022.
Về sản lượng, nếu như năm 2019, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt khoảng 4,1 triệu tấn, thì từ năm 2020 đến nay, sản lượng đã tăng trở lại và đạt 4,5 triệu tấn vào năm 2022 (tăng 6,7% so với năm 2021). Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022
Mặt dù tổng giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi đang tăng trở lại nhưng so với sản lượng vẫn là con số rất khiêm tốn, thua xa mặt hàng rau quả. Năm 2022 tổng giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 409 triệu USD giảm 7,1% so với năm 2021. Trong đó thịt và các sản phẩm thịt là 18,87 nghìn tấn, trị giá 84,6 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 3,6% về trị giá so với năm 2021 (kim ngạch XK mặt hàng rau quả năm 2022 là 3,3 tỷ USD). 6 tháng năm 2023, giá trị XK sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ đạt 68 triệu USD, tăng 38,7% (kim ngạch XK rau quả 6 tháng năm 2023 là 2,75 tỷ USD).
Cần ưu tiên đầu tư chế biến sâu
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ sự vui mừng vì sản lượng và giá thịt lợn đang tăng trở lại. Tuy nhiên, Thứ trưởng tỏ ra sốt ruột vì XK ngành chăn nuôi “chẳng đáng là bao”. “Người nông dân không thể đem sản phẩm của mình đi XK mà DN phải tiên phong” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, để xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ, cần phải giải quyết cả vấn đề thức ăn chăn nuôi. “Năng suất ngô của cả nước chừng 4 triệu tấn. Chúng ta không thể nhập ngô, nhập đậu tương mãi được. Ngành chăn nuôi cần có định hướng lâu dài, tránh tình trạng “ăn đong”, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới gần 70% giá thành...” - Thứ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng, cần quan tâm đến vấn đề giống - yếu tố quyết định năng suất, chất lượng. Đặc biệt cần chú ý chế biến sâu. “Tôi được biết, Masan chế biến sâu lên tới 31% giá trị. Các DN cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới” - Thứ trưởng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 694/CĐ-TTg ngày 01/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các Bộ trưởng và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Bảo An