Người Thái XK hàng hoá mang thương hiệu Việt
Theo con số khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, có 98% DN biết về VietGap, 44% DN biết về GlobalGap nhưng chỉ có 11% có chứng nhận VietGap, 7% có GlobalGap và ít chú ý các tiêu chuẩn khác. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các DN đang rất hạn chế trong các nhận biết tiêu chuẩn phổ biến như GlobalGap thì con đường đạt chuẩn XK còn khá xa vời.
Hiện nay, cũng có một vài DN nâng cao giá trị sản phẩm để XK như Vinamilk và Unipharm. Hiện Unipharm không có đủ lượng sản phẩm để XK sang Nhật, Hàn nhưng không dám mở rộng sản xuất vì sợ không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, số lượng công ty được XK hàng hoá dưới thương hiệu của công ty mình mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một ví dụ điển hình, Công ty Hồ Quang của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua sản xuất ra sản phẩm gạo ST24, là sản phẩm hữu cơ, đủ chất lượng XK sang Mỹ với giá trên 1.000 USD/tấn nhưng không thể xuất thẳng được sang Mỹ vì vướng Nghị định 109 (liên quan đến những đòi hỏi về quy mô sản xuất) nên vẫn phải xuất qua các kênh DN khác.
Trong khi đó, Thái Lan đang XK thành công một sản phẩm mang thương hiệu Phở Việt sang Mỹ với chất lượng đạt chuẩn và dung lượng thị trường lớn qua hệ thống phân phối sẵn có của người Thái. Sản phẩm gạo của Thái Lan cũng thắng Việt Nam trên thị trường XK quốc tế dù chất lượng gạo của Việt Nam tốt hơn. Chưa hết, người Thái cũng XK một thương hiệu nước mắm mang tên Phú Quốc, trong khi tại thị trường nội địa, mắm truyền thống của Việt Nam đang chật vật tìm kiếm thị trường, lại bị đối thủ chơi xấu.
Tất cả những ví dụ nêu trên đang cho thấy Việt Nam đang gặp rất nhiều rào cản để XK một sản phẩm hàng hoá dưới thương hiệu của chính công ty mình, dù các nguyên nhân đều có thể từ khách quan và chủ quan. Hiện nay, con số tăng trưởng XK nhiều năm nay đã lên 2 con số và cả Việt Nam đang say sưa với mức tăng trưởng này nhưng ít người để ý đến việc tại sao Việt Nam lại không thể XK những sản phẩm mang thương hiệu của mình mà chấp nhận xuất thô, để các nước đóng gói và làm giàu trên chính sản phẩm xuất thô của mình?
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho rằng, dù mức tăng trưởng XK luôn ổn định ở 2 con số nhưng chất lượng sản phẩm ra sao mới quyết định đến việc tăng trưởng XK bền vững hay không. Nhưng điều này ít được DN để ý đến, đa phần hàng hoá Việt Nam vẫn là xuất thô, giá trị thấp.
Những rào cản khó gỡ…
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Công ty chè Thế hệ mới (đơn vị sở hữu thương hiệu trà Cozy) cho rằng, có rất nhiều rào cản khi XK sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu công ty. Rào cản đầu tiên được nhắc đến là việc có nhiều DN quy mô nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói cũng chưa được chú trọng nhiều.
Đặc biệt, tầm chiến lược phát triển không có, mải chạy theo bệnh thành tích về số lượng, chưa chú trọng đến phát triển thương hiệu. Chưa chú ý đến phần giá trị gia tăng là bao nhiêu mà chỉ để ý đến số lượng. Nhưng đây cũng chưa phải là nguyên nhân chính. Theo ông Tuân, đa phần nông sản Việt còn mắc “bệnh” ngồi nhà chờ người khác đến hỏi mua, các chủ DN đều không nắm được thói quen tiêu dùng ở thị trường XK như thế nào, luật pháp đất nước họ ra sao... Ông khẳng định: “Nếu phân phối một thương hiệu trong nước khó 1 thì XK thương hiệu ấy khó gấp đến 10 lần, nhưng chúng ta cũng vẫn phải bàn đến việc XK thương hiệu, bởi đấy mới là giá trị và khẳng định được thương hiệu Việt Nam”.
Kể lại một câu chuyện ở Nga, khi chính Công ty Thế hệ mới mang sản phẩm trà có thương hiệu sang bán cực kỳ khó khăn vì điều đầu tiên, DN muốn lên kệ ở bất kỳ một siêu thị nào của Nga đều phải nộp 500.000 USD, ông Tuân khẳng định, chưa cần biết lượng bán ra sao, chất lượng hàng như thế nào, nhưng với điều kiện đầu tiên này, gần như các DN phải chịu thua ngay từ đầu. Ngoài ra còn chưa kể đến trở ngại từ các nước nhập khẩu vì chính các nước này đều muốn bảo hộ sản phẩm của mình.
Ông Tuân cho biết, 20 năm trước XK được nhiều chè thành phẩm có thương hiệu sang Nga. Chỉ vài năm sau phía bạn nhận thấy “miếng bánh ngon nhất” (là khâu đóng gói và gắn thương hiệu) lại để lọt cho nước khác nên họ đã đưa ra chính sách thuế để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Cụ thể, thuế nhập nguyên liệu chỉ 5% nhưng thuế nhập khẩu thành phẩm lên đến 40%. Chính sách này khiến hàng hoá có thương hiệu nhập khẩu vào Nga trở nên đắt đỏ, mất đi tính cạnh tranh.
Ngoài các yếu tố khách quan nói trên, theo ông Tuân, chính sách trong nước cũng có nhiều điều chưa thuận lợi cho XK hàng có giá trị gia tăng. Ví như thủ tục XK rườm rà, thủ tục nhập khẩu nguyên liệu mất nhiều thời gian. Đặc biệt phải kể đến chi phí XK quá lớn, dẫn đến giá cả sản phẩm bị đội lên rất nhiều. Ông Tuân so sánh, cùng một container hàng, chi phí cho logictics từ nhà máy ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ đến Hải Phòng mất 500 USD, gấp 10 lần chi phí cho container ấy xuất đi từ Hải Phòng sang Singapore…