Xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nguy cơ gặp khó trong năm 2018

(PLO) - Mặc dù tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2018, Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản nếu như đảm bảo tốt các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, nhưng chuyện này sẽ không dễ dàng khi thị trường thương mại thế giới liên tục có nhiều biến động… 
Thị trường Trung Quốc, vốn được coi là dễ tính cũng đã nâng yêu cầu xuất xứ hàng hóa
Thị trường Trung Quốc, vốn được coi là dễ tính cũng đã nâng yêu cầu xuất xứ hàng hóa

Tiếp tục xuất siêu… 

Nối dài mạch tăng trưởng từ năm 2017, kim ngạch  xuất nhập khẩu (XNK) quý I/2018 của Việt Nam đã đạt được những con số đầy ấn tượng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) quý I/2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD; Nhập khẩu (NK) ước tính đạt 53,01 tỷ USD. Điều này đã đưa cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD (năm 2017, xuất siêu của Việt Nam là 2,7 tỷ USD). 

Đánh giá về tăng trưởng XNK quý I/2018, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, đây là sự khởi sắc đáng được ghi nhận, bởi kim ngạch hai chiều duy trì đà tăng trưởng cao, không chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2017 mà còn cao hơn cả năm 2008. Nếu nhớ rằng, quý I năm 2017, GDP thấp bất ngờ do ảnh hưởng mạnh bởi kim ngạch XK (liên quan đến sản phẩm chiến lược thời điểm ấy của Samsung có vấn đề, buộc phải thu hồi nên gần như con số XK cực thấp) mới thấy rằng năm nay, kim ngạch XK đã “ghi điểm” trong GDP như thế nào. 

Ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, tình hình XNK của quý I/2018 vẫn giữ được đà khởi sắc từ năm 2017. Tốc độ tăng trưởng XK quý I vào loại cao nhất trong các chỉ tiêu vĩ mô là dấu hiệu tốt báo hiệu sự hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam. 

Cũng theo ông Thắng, trong quý I vừa qua, nhiều mặt hàng của Việt Nam có chỉ số XK cao như các loại rau quả kim ngạch XK “hết sức ấn tượng”, vượt qua cả các mặt hàng XK chủ lực khác như gạo, dầu thô… đã mở ra khả năng làm giàu cho người nông dân trên phạm vi toàn quốc. Ông Thắng cho rằng, với tình hình này, nếu biết khai thác nông nghiệp sạch thì sẽ còn rất nhiều cơ hội cho XK nông sản.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, các dự án FDI  đã bắt đầu phát huy tác dụng từ năm 2016, 2017 và đặc biệt từ năm 2018 này, guồng máy hoạt động của khối DN FDI đã ổn định với các mặt hàng có GTGT cao. Do đó, niềm tin về kim ngạch XK trong năm 2018 có nhiều cơ sở để tin tưởng. 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, điều đáng mừng nhất chính là việc Việt Nam đã sớm cân bằng được cán cân thương mại. Bởi theo mục tiêu đã đặt ra, đến năm 2020 mới cân bằng được cán cân thương mại nhưng trong năm 2017 và quý I/2018 Việt Nam đã xuất siêu. 

Thị trường thế giới nhiều biến động

Những con số về XNK cho thấy, tình trạng DN trong nước luôn nhập siêu, DN FDI lại luôn xuất siêu vẫn tồn tại từ rất lâu. Điều này chứng tỏ rằng yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất của các DN trong nước phần lớn phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài. Hiện nay, mới chỉ có một số ngành khắc phục được điểm yếu này như dệt may, giày dép trong khi có nhiều ngành còn chưa làm được điều này, các DN chưa có đủ “sức khỏe” để hội nhập quốc tế tốt hơn.

Do đó, mặc dù có tỷ trọng xuất siêu lớn trong quý I, nhưng vẫn chủ yếu được đóng góp từ khối DN FDI nên GTGT tạo ra được ở Việt Nam rất thấp nên theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các DN trong nước cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để tăng XK hiệu quả với hàm lượng GTGT cao. 

Tuy nhiên điều này cũng không dễ dàng bởi hiện nay Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đối với hàng hóa của các nước ASEAN cũng như các nước kí kết Hiệp định thương mại tự do nên thị trường không còn riêng của DN Việt Nam, vì thế các sản phẩm của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của nước ngoài.

Trong khi đó, thị trường thế giới lại đang có nhiều biến động, đặc biệt là Mỹ đã áp đặt thuế lên thép, nhôm và mặt hàng cá da trơn của Việt Nam nên nguy cơ sức ép về thị trường đối với thủy sản của Việt Nam tăng cao. Hơn thế nữa, Trung Quốc, thị trường dễ tính nhất, cũng đã nâng yêu cầu xuất xứ hàng hóa đối với các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam lên một mức cao hơn nữa. Đồng thời yêu cầu cơ quan kiểm định hàng hóa của Việt Nam cũng phải được phía Trung Quốc công nhận.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) cho đến nay vẫn đang chờ được phê duyệt. Vì thế Việt Nam cần phải có những cố gắng rất lớn để tìm kiếm những thị trường mới và có những chính sách thích hợp đối với những biến động trên thị trường thế giới.

Một lần nữa, câu chuyện cần phải nâng chất hàng hóa sản phẩm Việt Nam lại được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Chỉ có cách này, DN Việt mới có thể giữ vững được những thị trường XK tiềm năng, tìm kiếm được thị trường mới và không mất sân nhà trong khi những biến động về thị trường thương mại trên thế giới liên tục diễn ra trong quý I/2018.

Đọc thêm