Thị trường tiềm năng
Bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam và các nước châu Phi có quan hệ hợp tác từ rất sớm và luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 53/55 quốc gia ở khu vực này và kim ngạch hai chiều trong vòng 10 năm trở lại đây có mức tăng trưởng rõ rệt. Nhìn chung, trong cán cân thương mại với châu Phi, Việt Nam thường xuất siêu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bà Phương, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi mới chỉ chiếm khoảng 0,6% trên tổng nhu cầu nhập khẩu của châu Phi.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nhận định, trong một thời gian dài, DN xuất khẩu Việt Nam quá tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản... mà gần như bỏ quên thị trường châu Phi và Trung Đông, trong khi đó đây lại là thị trường có sức mua lớn, lại tương đối dễ tính, phù hợp với khả năng của DN Việt Nam.
Trong bối cảnh các thị trường truyền thống đã gần như bão hòa, sức tiêu thụ giảm, thì việc tăng cường khai thác thị trường châu Phi và Trung Đông là một hướng đi chiến lược và có ý nghĩa quan trọng về lâu dài cho các DN Việt Nam. Với Việt Nam, dự báo đến năm 2020 kim ngạch nhập khẩu của châu Phi đạt khoảng 1.200 tỷ USD và khu vực Trung Đông dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.
Doanh nghiệp Việt vẫn e dè
Mặc dù được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, nhưng theo Bộ Công Thương, số lượng DN Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này còn rất khiêm tốn. Khá nhiều DN cho biết họ vẫn loay hoay tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này.
Trước những khó khăn mà DN gặp phải, theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi-Tây Á-Nam Á, Bộ Công Thương giải thích, khâu thanh toán luôn là trở ngại giữa hợp tác của DN hai bên. Tuy nhiên, đây chỉ là với một số nước, chứ còn tại những quốc gia phát triển thì chúng ta không gặp trắc trở hay khó khăn nào.
Trong tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch hành động để triển khai đề án thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi, trong đề án cũng lựa chọn một số thị trường trọng điểm để đẩy mạnh phát triển thị trường trong thời gian tới.
Để thúc đẩy giao thương giữa hai bên, theo đại diện Bộ Công Thương, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để DN Việt Nam có điều kiện phát triển làm ăn bình đẳng với các đối tác; hợp tác trong lĩnh vực chuyên ngành; kiện toàn hệ thống thương vụ; nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và kết nối giao thương…
“Thị trường Trung Đông và châu Phi rất tiềm năng, nếu ta tìm được những thị trường ngách, những thị trường mà các nước khác chưa quan tâm để vươn tới thì sẽ có được những thành công nhất định”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này, DN Việt cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, bạn hàng xuất khẩu, đồng thời cảnh giác trước các thương vụ quá hấp dẫn, nâng cao kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa…