Xuất nhập khẩu tháng 9 của cả nước ước đạt hơn 60 tỷ USD

(PLVN) - Tổng cục Hải quan vừa cho biết, trong tháng 9/2023, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước ước tính là 60,52 tỷ USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Ngày 4/10, Tổng cục Hải quan đã thông tin về tình hình công tác tháng 9/2023 của đơn vị. Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 9/2023, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước ước tính là 60,52 tỷ USD, giảm 2,5%, tương ứng giảm 1,56 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1%, tương ứng giảm 1,36 tỷ USD và nhập khẩu ước 29,12 tỷ USD, giảm 0,7%, tương ứng giảm 205 triệu USD.

Lũy kế trong 9 tháng năm 2023, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước ước tính là 497,66 tỷ USD, giảm 11%, tương ứng giảm 61,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước là 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% (tương ứng giảm 23,32 tỷ USD); và nhập khẩu ước là 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 38,09 tỷ USD).

Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu trong quý III/2023 đạt gần 84 nghìn tỷ đồng, giảm 9,7% so với quý II/2023 và giảm 18,4% so với quý III/2022. Lũy kế từ 01/01 - 30/9/2023, số thu NSNN đạt gần 268,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán được giao, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trong tháng không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, GLTM và hàng giả nhưng đánh giá chung trong quý III/2023, tình hình buôn lậu, GLTM diễn biến phức tạp, tập trung vào một số hành vi như không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang... Hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tập trung chủ yếu qua tuyến đường hàng không, đường bộ ở các tỉnh phía Nam, quá trình kiểm soát hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, cơ quan Hải quan thường xuyên phát hiện việc hành khách xuất, nhập cảnh mang tiền, ngoại tệ vượt định mức nhưng không khai báo hải quan.

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển với thủ đoạn ngày càng tinh vi như cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường; mang theo người. Đối với tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng trên tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ, có sự chuyển dịch từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra Sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa thường ngụy trang trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm... Trong đó, xuất hiện hiện tượng mới các chất ma túy từ các nước quá cảnh đi Lào.

Trước tình hình trên, với các giải pháp được triển khai quyết liệt, trong quý III/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 4.835 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.350 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 8 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 26 vụ. Số tiền thu nộp NSNN là 70 tỷ đồng.

Riêng công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, trong quý III/2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên Phòng phát hiện, bắt giữ 60vụ/69đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 20 vụ. Tang vật thu được trên 200 kg ma túy các loại gồm 1 kg thuốc phiện, 21 kg heroin; 2 kg cocain; 81 kg ketamine; 91 kg ma túy tổng hợp...

Đọc thêm