Xung đột về lợi ích, Ukraine chính thức 'ra tay' với các đồng minh châu Âu?

'Thẳng tay' đưa một số doanh nghiệp Đức vào danh sách các nhà tài trợ xung đột quân sự Nga-Ukraine; Đệ đơn kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia lên WTO... là động thái mới nhất của Ukraine khi xuất hiện những xung đột về lợi ích với các thực thể của đồng minh châu Âu.
Xung đột về lợi ích, Ukraine chính thức "ra tay" với các đồng minh châu Âu, đòi thỏa hiệp? Trong ảnh: Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một sự kiện của EC. (Nguồn: Eurointegration)

Xung đột về lợi ích, Ukraine chính thức "ra tay" với các đồng minh châu Âu, đòi thỏa hiệp? Trong ảnh: Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một sự kiện của EC. (Nguồn: Eurointegration)

Cơ quan Phòng chống Tham nhũng quốc gia Ukraine (NACP) vừa bổ sung các công ty Spinner, DMG Mori của Đức vào danh sách các nhà tài trợ xung đột quân sự quốc tế.

Báo cáo của NACP cho biết, Kiev đã bổ sung hai nhà sản xuất máy công cụ có độ chính xác cao hàng đầu của Đức là Spinner và DMG Mori vào danh sách các nhà tài trợ quốc tế cho cuộc xung đột giữa Ukraine-Nga.

Máy móc của các công ty này tiếp tục được Nga giữ và đặt mua bất chấp lệnh trừng phạt. “Không có chúng, Moscow không thể sản xuất vũ khí và các linh kiện phục vụ chiến dịch quân sự", báo cáo viết.

Trang web thuộc sở hữu của nhà phân phối chính thức Spinner ở Nga, SPINNER LLC, tuyên bố, họ vẫn hoạt động "như thường lệ" và sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ trên quy mô lớn, khối lượng thiết bị mà Spinner cung cấp cho Nga đã tăng 500%.

Còn DMG Mori được cho là đã thông qua đại diện của mình tại Nga là DMG Mori Rus LLC vận hành một nhà máy máy công cụ ở Ulyanovsk (Ulyanovsk Machine Tool Plant LLC). “Vào cuối tháng 2/2022, ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, DMG MORI thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động bán hàng và dịch vụ ở Nga, cũng như mọi hoạt động sản xuất tại nhà máy Ulyanovsk.

Tuy nhiên, trên thực tế, DMG MORI vẫn là người tham gia tích cực vào thị trường Nga, điều này trái ngược với các tuyên bố chính thức của hãng", thông báo của NACP chỉ rõ.

Như vậy, NACP đã bổ sung 14 nhà nhập khẩu máy công cụ do Đức sản xuất vào danh sách ứng cử viên bị trừng phạt.

Ở một diễn biến khác, nhưng cũng liên quan vấn đề hạn chế thương mại, trong bối cảnh Ukraine và một số thành viên EU có sự xung đột về lợi ích trong vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Kiev tuyên bố sẽ hạn chế nhập khẩu từ Ba Lan, Hungary nếu họ không dỡ bỏ lệnh cấm vận ngũ cốc mà họ đơn phương thực thi, không tuân theo chính sách chung của EU.

Thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal đã tuyên bố rằng, “Ukraine đang đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại Ba Lan, Hungary và Slovakia về việc đơn phương hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Đồng thời, Kiev cũng đưa ra một kịch bản thỏa hiệp với EU và các nước láng giềng.

“Chúng tôi đã đệ trình lên Ủy ban châu Âu (EC) một kế hoạch hành động để kiểm soát việc xuất khẩu 4 nhóm sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine”, ông Denys Shmyhal cho biết.

Theo đó, việc kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn mọi biến dạng thị trường ở các nước thành viên EU lân cận. Dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết quy định rằng, hàng hóa xuất khẩu sang 5 nước láng giềng sẽ phải được Bộ Kinh tế Ukraine xác minh và phê duyệt.

Thủ tướng Ukraine lưu ý, Kiev đã gửi yêu cầu chính thức tới Ba Lan, Hungary và Slovakia về việc vi phạm các quy định của WTO. Một cuộc điều tra chống phân biệt đối xử cũng đang được tiến hành nhằm chống lại những hành động không thân thiện của các quốc gia này trong lĩnh vực thương mại dựa trên số liệu thống kê năm 2023.

"Nếu Ba Lan và Hungary không đồng ý với các biện pháp đã thỏa thuận với EC và không dỡ bỏ lệnh cấm vận đơn phương đối với hàng hóa của chúng tôi, chúng tôi sẽ quyết định cấm nhập khẩu một số loại hàng hóa nhất định từ các nước này vào thị trường Ukraine”, ông Denys Shmyhal nhấn mạnh. Bốn quốc gia hiện có 60 ngày để tiến hành tham vấn.

Thủ tướng Shmyhal phân tích, Nga đang tấn công các cảng Ukraine hàng ngày, phá hủy cơ sở hạ tầng… của Kiev. Việc các nước láng giềng tiếp tục ngăn chặn xuất khẩu nông sản sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tài chính, doanh thu thuế và việc làm của Ukraine. Ông này cho rằng, động thái trên của các nước Ba Lan, Hungary và Slovakia giống như ủng hộ kế hoạch của Nga và “góp sức” tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực khác.

Cập nhận diễn biến mới nhất của vụ kiện, theo thông tin từ WTO, yêu cầu của Ukraine đánh dấu bước đi chính thức đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài của WTO và có thể leo thang thành vụ tranh chấp WTO đầu tiên của Ukraine với tư cách là nguyên đơn chống lại một thành viên EU.

Trong khi đó, trước những tuyên bố của Kiev về việc kiện lên WTO, Bộ trưởng Nông nghiệp Slovakia cho biết, nước này đã thống nhất với Kiev thiết lập hệ thống cấp phép cho việc mua bán ngũ cốc, qua đó cho phép dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu 4 mặt hàng của Ukraine sang Slovakia. Đổi lại, Ukraine đồng ý dừng khiếu nại lên WTO. Tuy nhiên, Slovakia lưu ý, lệnh cấm nhập khẩu 4 mặt hàng từ Ukraine vẫn được áp dụng cho đến khi hệ thống cấp phép nói trên được thiết lập và đi vào hoạt động.

Kiev cũng thông báo sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với Ba Lan trong những ngày tới để giải quyết tranh chấp liên quan. Hai bên nhất trí tìm giải pháp có tính đến lợi ích của cả hai nước.

Tác động của cuộc xung đột với Nga khiến Ukraine hơn một năm qua phải trông cậy vào các quốc gia láng giềng để đưa ngũ cốc ra thị trường thế giới bằng đường bộ, bên cạnh tuyến đường truyền thống đi qua biển Đen. Tuy nhiên, ngũ cốc và hạt có dầu Ukraine giá rẻ tràn ngập các nước láng giềng đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân bản địa.

Hồi tháng 5/2023, EC đã cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hướng dương từ Ukraine sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Romania theo sự kiên quyết của các quốc gia này. Vào ngày 5/6, lệnh cấm được gia hạn đến ngày 15/9. Tất nhiên, các biện pháp hạn chế đó đã kéo theo một loạt cuộc tranh cãi giữa Kiev và giới chức một số nước chia sẻ biên giới chung, nhất là Ba Lan.

Ngày 15/9, EC tuyên bố EU sẽ không gia hạn các hạn chế tạm thời đối với ngũ cốc Ukraine. Ngay sau đó, Ba Lan, Hungary và Slovakia đã công bố quyết định đơn phương chặn nhập khẩu nông sản Ukraine và ngừng tham gia vào Nền tảng điều phối được thành lập dưới sự bảo trợ của EC để giải quyết vấn đề này. Họ coi đây là biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng cho nông dân sở tại.

Trong năm 2022, khoảng 60% ngũ cốc Ukraine đã được trung chuyển qua 5 quốc gia Đông Âu nêu trên theo "hàng lang đoàn kết", thay thế cho tuyến trung chuyển qua Biển Đen gặp nhiều trở ngại kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022.

Đọc thêm