Sáng qua 7/7, TAND TP.Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Văn Quý (SN 1978, trú ở thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) mức án 13 năm tù về tội Giết người. Bị hại may mắn thoát chết là anh Kiều Văn Việt (SN 1989), ở cùng thôn.
Nguyên nhân dẫn đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này hết sức bi hài, đó là do bị cáo Quý say rượu sang gọi vợ đang “lánh nạn” bên nhà anh Việt nên bị chó sủa ầm ĩ, thấy thế anh Việt ra quát đàn chó và can ngăn Quý liền bị gã say rượu dùng kéo xỉa vào ngực, gây tổn hại 65% sức khỏe.
Xót con trai, đánh cả bố đẻ lẫn hàng xóm
Vụ án xảy ra vào tối 30/7/2013, hôm đó Lê Văn Quý đang uống bia tại một quán nhậu ở đầu làng thì nhận được điện thoại của người thân thông báo đứa con trai ở nhà không may bị bỏng. Nghe điện thoại xong, lập tức Quý bỏ dở bữa nhậu ra về, trong lòng vô cùng tức tối vì không hiểu vợ mình trông con thế nào mà để thằng bé bị bỏng.
Quý luôn miệng chửi bởi vợ về “tội” đoảng, có mỗi việc chăm con cũng không xong, sướng cũng không biết đường mà sướng. Khi Quý về đến nhà, thấy thằng con vẫn còn quấy khóc do bị bỏng, vừa xót con lại sẵn trong người đang phừng phừng hơi men nên Qúy tức tối đập phá một số đồ đạc trong nhà và tiếp tục mắng vợ không tiếc lời.
Thấy chồng mắng chửi vô cớ, chị Nguyễn Thị Quyên (vợ Quý) chỉ dám lựa lời thanh minh rằng sự việc không ai muốn thế, bản thân chị cũng rất xót con. Tuy nhiên, chị vợ chưa nói dứt câu thì đã bị Quý xông vào đòi đánh. Bố đẻ Quý thấy thế cũng lao vào ngăn cản không cho con trai đánh con dâu liền bị Quý phang ngay một gậy.
Hoảng hồn, chị Quyên vội bế cậu con trai vừa bị bỏng sang nhà ông Kiều Văn Dục (ở cùng thôn) để vừa lánh nạn vừa nhờ ông hàng xóm chữa trị giúp. Bỗng chốc không thấy vợ con đâu, Quý càng tức tối vội đi tìm.
Biết vợ con sang nhà ông Dục “lánh nạn”, Quý hùng hổ tay dao, tay kéo sang nhà hàng xóm. Đến nơi, thấy cổng nhà hàng xóm đóng nên Quý réo gọi ầm ĩ hết tên vợ rồi tên nhà hàng xóm, không thấy ai ra Quý la lối om sòm.
Nghe tiếng Quý chửi bới ở đầu ngõ, bầy chó trong nhà ông Dục sủa ầm ĩ, một anh chàng say rượu và bầy chó gây náo loạn cả thôn làng. Thấy thế, anh Kiều Văn Việt (con trai ông Dục) liền chạy ra quát đàn chó và mục đích cũng là để can ngăn Quý bình tĩnh về nghỉ, lát nữa vợ con Quý sẽ tự khắc về nhà.
Tuy nhiên, ma men đã làm Quý lu mờ lý trí, bị cáo không nhận ra thiện chí của anh Việt nên gây sự “vặc” nhau với anh này. Thấy mình làm ơn mắc oán nên anh Việt cũng nói lại vài câu. Trong cơn nóng giận mất kiểm soát, Quý tiện tay đang cầm chiếc kéo liền giơ lên đâm thấu ngực anh Việt, cú đâm quá bất ngờ khiến nạn nhân không kịp phản ứng.
Nạn nhân Việt được gia đình kịp thời đưa đi cấp cứu nên may mắn giữ được mạng sống, nhưng bị tổn hại 65% sức khỏe. Về phần Quý, gây án xong Quý loạng quạng những bước chân của kẻ say rượu đi về nhà, bị cáo chỉ thực sự tỉnh rượu khi công an đến nhà thực hiện lệnh bắt khẩn cấp về hành vi “Giết người”.
Ân hận đổ thừa cho “ma men”
Trong diễn biến phiên tòa hôm qua, bị cáo Quý thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Quý cho rằng không hề có mục đích giết hại anh Việt mà đơn giản chỉ là do khi đó đã uống nhiều bia, bực tức với vợ và khi bị hại nạt nộ con chó, đối tượng nghĩ bị xúc phạm nên mới hành xử một cách ngông cuồng.
Hội đồng xét xử đã phân tích cho bị cáo hiểu: mặc dù hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Giết người”. Việc anh Việt may mắn thoát chết là do được cứu chữa kịp thời và ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo nên việc xét xử bị cáo về tội danh này hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, việc bị cáo gây án trong tình trạng say rượu không phải là tình tiết giảm nhẹ, càng không phải tình tiết để miễn trách nhiệm hình sự để bị cáo “đổ thừa” cho gây án do say xỉn mà ngược lại đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm của bị cáo.
Tuy nhiên, Tòa cũng xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt nên cần áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội gây ra. Bởi các lẽ trên, TAND TP.Hà Nội chỉ tuyên phạt bị cáo Lê Văn Quý mức án 13 năm tù về tội “Giết người”, buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Việt theo quy định của pháp luật.
Theo bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 1999, những trường hợp gây án trong tình trạng say xỉn hoặc “ngáo đá” làm giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi không phải là một tình tiết loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngược lại, pháp luật hiện hành coi việc say rượu, sử dụng ma túy là tình tiết tăng nặng. Bởi vì việc say xỉn là do chính bị cáo khi lý trí hoàn toàn tỉnh táo đã tự lựa chọn và đặt mình vào tình trạng mất kiểm soát hành vi; bị cáo hoàn toàn ý thức được hậu quả những việc có thể xảy ra khi say xỉn nhưng vẫn sử dụng…