Y án sơ thẩm, “Bầu” Kiên lĩnh 30 năm tù

(PLO) - Sau hơn 10 ngày xét xử phúc thẩm, hai ngày nghị án, đúng 14h chiều nay (15/12), TAND Tối cao Hà Nội đã tuyên án vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong vụ án kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Đức Kiên trong phiên tòa phúc thẩm.

Dù các bị cáo, luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều lý lẽ, song phía đại diện VKSND Tối cao vẫn đề nghị y án sơ thẩm vì việc kháng cáo là không có cơ sở. 

HĐXX nhận định: Vào thời điểm xảy ra vụ án, chính sách kinh tế của nhà nước luôn khuyến khích các DN tham gia các ngành sản xuất kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm. Tuy nhiên, các DN chỉ được kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu muốn kinh doanh thêm ngành nghề mới thì phải đăng ký bổ sung.
Mọi hoạt động kinh doanh ngoài ngành quy định trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều là kinh doanh trái phép. Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ cơ sở khẳng định các công ty của Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép.

Đối với tội danh "Kinh doanh trái phép" của Nguyễn Đức Kiên, Hội đồng xét xử phân tích: hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên có liên quan đến Công ty Thiên Nam, Công ty Á Châu, ACB Hà Nội, Công ty Á Châu Hà Nội, Công ty B&B.Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, lời khai của bị cáo Kiên và những người có liên quan đều thừa nhận ngày 25/12/2008 đã ký ba hợp đồng giữa B&B với bà Nguyễn Thúy Hương về kinh doanh vàng ghi sổ, phụ lục hợp đồng cho phép B&B ủy thác lại cho người thứ ba, hợp đồng giữa B&B và ACB.

Vào thời điểm xảy ra vụ án, chính sách nhà nước luôn khuyến khích doanh doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật quy định khi thành luật phải đăng ký kinh doanh và chỉ được hoạt động những ngành nghề đăng ký, nếu muốn kinh doanh thêm phải đăng ký bổ sung.

Mọi trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không nằm trong giấy chứng nhận đều được coi là kinh doanh trái phép. Việc thành lập các Công ty là hợp pháp, có đăng ký kinh doanh song các công ty này không có nội dung kinh doanh ủy thác đầu tư tài chính, buôn bán chứng khoán thay mặt người khác, hoạt động tài chính khác. Do vậy, qua phân tích các luận cứ, Tòa phúc thẩm xác định mức án phạt ở tòa sơ thẩm là xác đáng đối với hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên.

Về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Sau khi liệt kê lại hàng loạt những chứng cứ đã được thẩm tra, Tòa phúc thẩm cho rằng: nội dung kháng cáo về tội danh này của các bị cáo là không có cơ sở. Đánh giá về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh, tòa phúc thẩm nhận định: đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, trong đó Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò chủ chốt.
Sau khi đọc xong quan điểm luận tội về cả 4 tội danh, hội đồng xét xử xác định hành vi các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, hội đồng thấy tòa sơ thẩm kết án là không oan nên cần giữ nguyên tội danh. Riêng về tội trốn thuế sẽ có điều chỉnh bổ sung với tội danh này.

Đúng 16h20 ngày hôm nay (15/12), tái khẳng định 4 tội danh của Nguyễn Đức Kiên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo này 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép"; 6 năm 6 tháng tù về tội "Trốn thuế", áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng cộng hình phạt chung đối với Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB):  8 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù; bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB):  4 năm tù; bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) 3 năm tù; bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)  2 năm tù.

Các bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong vòng 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt.

Đọc thêm