Y học “bó tay” với cặp vợ chồng mắc bệnh “mê” đốt lửa

(PLO) -Cuộc sống gia đình vốn đang êm ấm, có của ăn của để, bỗng dưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Trưng (42 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tím (43 tuổi, ngụ ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đập phá hết đồ đạc có giá trị, tháo dỡ căn nhà sàn ra đốt, rồi quây lều bạt sống đời du mục. 
Hình minh họa

Trong khi chính quyền địa phương tìm mọi cách hỗ trợ, đồng thời đưa hai vợ chồng đi khám bệnh, thì người chồng cho rằng mình bị “người âm” ám nên kiên quyết không đi bệnh viện, chỉ mời thầy về nhà cúng và đốt lửa để ...trừ tà.

Cặp vợ chồng “đụng gì đốt nấy”

Tìm về xã Ba Sao (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nhắc đến đôi vợ chồng có cuộc sống “quái dị”, từng đốt nhà nhiều lần, ông Lê Văn Vui (Phó Chủ tịch UBND xã Ba Sao) cho biết, nhiều năm nay chính quyền địa phương rất đau đầu về trường hợp của ông Trưng.

Một năm trở lại đây, sau khi người vợ mất, cuộc sống của người chồng và ba đứa con nhỏ ổn định hơn một chút. Dù không còn những hành động lạ, nhưng cuộc sống khá dị biệt, bản thân ông Trưng cũng ít lui tới với bà con lối xóm.

Theo lời ông Vui, cuộc sống của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Trưng và chị Nguyễn Thị Tím trước đây khá ổn định. Sau vài năm bôn ba xứ người mưu sinh, hai người đưa nhau về quê, xây căn nhà nhỏ trên phần đất do cha mẹ vợ để lại, ngay đối diện UBND xã Ba Sao. Ngày ngày, người chồng hành nghề sửa xe Honda, người vợ buôn bán nhỏ ở chợ. Dù vất vả nhưng nhờ chịu khó, cuộc sống của hai vợ chồng cũng có của ăn của để.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu vào khoảng năm 2010, khi cha mẹ chị Tím ly hôn và tiến hành phân chia tài sản. Phần đất hai vợ chồng chị đang ở thuộc về người cha, nhất định phải thu hồi. Sau khi trả đất, người mẹ thương hai con mới cho một miếng đất khác, cách nơi ở cũ chỉ chừng vài trăm mét.

Vì là đất ruộng, nền móng không chắc, nên đôi vợ chồng xây một căn nhà sàn và bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, từ khi bắt đầu chuyển về nơi ở mới, không biết lý do tại sao vợ chồng anh Trưng lại có những biểu hiện, hành động kỳ lạ.

Ông Vui kể: “Ban đầu, trong nhà anh Trưng luôn có một đống lửa thật to, cháy phừng phực bất kể ngày đêm. Song, thay vì đi mót củi để nhóm lửa, mỗi ngày, anh Trưng lấy một vật dụng trong nhà ra đốt cháy. Trước chỉ là những đồ vật dễ cháy như mùng mền, sau ảnh dỡ gỗ trên tường nhà.

Mỗi ngày một ít, căn nhà dần dần bị thu nhỏ lại, chỉ đủ cho mấy con người chui ra chui vào. Ngay cả cái cầu thang, ảnh cũng mang ra đốt. Mỗi lần vào nhà, cả hai vợ chồng đều phải trèo lên. Không chỉ thế, những vật dụng có giá trị trong nhà đều bị ảnh đập nát, đem đốt, phần khung không cháy được thì mang đi bán phế liệu”. 

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Sao cho biết chính quyền nhiều lần đau đầu vì trường hợp của gia đình anh Trưng.

Cứ thế, chỉ trong vòng vài tháng, căn nhà sàn của vợ chồng họ trở thành đống tro tàn. Điều lạ là cả hai vợ chồng đều “đồng tâm hiệp lực” đốt đồ. Mỗi lần người chồng mang đồ ra đốt, người vợ không những không can ngăn mà còn hùa theo. Hai người gần như không bao giờ bất đồng quan điểm, to tiếng cãi vã. Những người thân, hàng xóm ra sức khuyên giải nhưng đôi vợ chồng chỉ nghe để đấy. Đôi lần còn cáu gắt, dọa đánh, giết. Lâu dần, không mấy ai còn quan tâm đến đời sống của họ nữa.

Không có nhà để ở, người đàn ông đưa vợ con ra sát mép đường, đóng 4 cái cọc gỗ, quây tấm bạt lên chỉ đủ che mưa che nắng, sống cuộc đời du mục. Cũng từ ngày ở lều bạt, cặp vợ chồng này có thêm sở thích đào đất đắp nền. Nền đất cả hai vợ chồng cứ đào chỗ này đắp lên chỗ kia. Diện tích 80m2 đất nền vốn dùng để cất nhà, họ hì hục đào ngày đào đêm, cuối cùng trở thành cái ao sâu hoắm.

Khi dự án mở rộng tỉnh lộ 846 đi ngang qua nhà, chờ đêm đến, mọi người đều đã say giấc, hai vợ chồngvác cuốc ra đào đất đắp nền nhà, phá nát đoạn đường vừa mới nâng cấp. 

“Cứ xây lên được đoạn nào, thì vợ chồng ảnh phá hư đoạn đó. Cơ quan chức năng nhiều lần tìm đến nhưng vì hoàn cảnh của họ quá đặc biệt nên cũng chẳng thể làm được gì. Đơn vị thi công ngỏ ý cho anh Trưng một cái nền nhà khác, chỉ hi vọng anh đừng đào xới đoạn đường mới xây nhưng ảnh từ chối. Chúng tôi thuyết phục mãi, ảnh mới không tái phạm nữa”, ông Vui kể.

Trong những ngày sống lều bạt ấy, chị Tím mang thai người con thứ ba. Đến kì sinh nở, vì sức khỏe yếu, chị được đưa lên một bệnh viện ở TP.HCM để tiến hành mổ sinh. 

Thế nhưng, theo lời ông Vui, hôm trước đứa trẻ ra đời, hôm sau anh Trưng lên đập phá bệnh viện vì cho rằng các y bác sĩ ở đây đã nhốt vợ và con của anh. Bất đắc dĩ, bệnh viện phải cho hai vợ chồng về, đồng thời dặn dò, nếu trên đường về có dấu hiệu gì bất thường phải ghé vào bệnh viện gần nhất để cấp cứu. 

“Tuy thế, sự cố đã không xảy ra, sau đó anh Trưng “chữa bệnh” cho vợ thế nào mà sức khỏe chị Tím hồi phục cũng rất nhanh. Còn đứa bé sức yếu, được giữ lại trong lồng kính. Một tháng sau ảnh mới lên đón con về. Đến nay, bé cũng đã được 3 tuổi rồi”, ông Vui không giấu được sự ngạc nhiên kể. 

Chính quyền “đau đầu”

Trước cuộc sống khác thường của hai vợ chồng anh Trưng, chính quyền địa phương trong một chuyến đến thăm đã mời các bác sĩ đến cùng. Nhiều cán bộ y tế hội chẩn và cho rằng, hai vợ chồng này mắc chứng tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, việc cả hai vợ chồng cùng phát bệnh một lúc, có những biểu hiện như nhau là điều lạ, vẫn chưa thể lý giải được.

Ông Vui cho hay, bước đầu xác định được bệnh, UBND xã Ba Sao vận động cho cả hai vợ chồng đi khám, chữa bệnh. Thế nhưng khi tìm đến, cả hai người gặt phắt đi, cho rằng mình không mắc bệnh. Không thể thuyết phục, ủy ban xã đã liên hệ với Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đồng Tháp đến hỗ trợ, thậm chí cưỡng ép. Song, trong khi mẹ vợ rất đồng tình, ngỏ ý săn sóc các cháu để hai con yên tâm chữa bệnh thì cha mẹ anh Trưng không đồng ý. 

Vị Phó chủ tịch trần tình: “Họ nói con họ không có bệnh gì cả. Sở dĩ hai người có hành động như vậy là vì cha mẹ ruột chị Tím có hứa cho anh chị miếng đất, nhưng không tách quyền sử dụng, nên mới có hành động như thế để gây áp lực cho mẹ vợ. Nhưng trong thực tế, mẹ chị Tím có làm giấy tờ xác nhận cho đất đàng hoàng, nhưng cuối năm 2012, luật quy định đất ruộng dưới 1000m2 không cắt thửa được, cho nên mới chưa chia đất được cho hai anh chị”.

Sống cuộc sống túng bấn như thế, những đứa con của vợ chồng anh Trưng, chị Tím lớn lên thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, theo lời ông Vui, dù chính quyền địa phương tìm mọi cách để hỗ trợ, nhưng gia đình ông Trưng đều khước từ. 

Nơi ở hiện tại của 4 cha con anh Trưng.

“Nhìn gia đình ảnh sống 5 người trong cái lều nhỏ, chính quyền địa phương đã vận động nhiều mạnh thường quân đến cất nhà cho ảnh. Nhưng ảnh đều từ chối vì ảnh nói không muốn mắc nợ người khác. Cách đây một năm, chị Tím mất, ảnh mới nhận nhưng với điều kiện là đưa tiền để ảnh tự xây theo ý của ảnh. Như thế thì đơn vị từ thiện lại không đồng ý, vì ảnh tự xây thì nhà sẽ không đảm bảo quy cách để nghiệm thu”.

Vợ mất, anh Trưng tháo dỡ căn lều của mình, kiên quyết dùng phần đất đó để xây mộ dù người thân đã bố trí một chỗ chôn cất khác phù hợp hơn. Hiện tại, người đàn ông đang sống cùng với 3 người con trên nền đất do cha mẹ ruột để lại. Dù nền đất khá rộng, nhưng anh Trưng mua gạch về, tự xây lên 3 bức tường chắn xung quanh phần đất chỉ chừng 10m2 làm nơi ăn chốn ở cho cả mấy cha con. Phần đất còn lại để trống, cỏ mọc xanh um.

Tìm đến nhà anh Trưng, chỉ có duy nhất một bao tải đựng áo quần, vương vãi khắp nền nhà. Phía trong góc nhà chỉ có một ít chén bát mà không thấy bếp núc, củi lửa. Phía trước có một lu nước đục ngầu, một ít đồ nghề anh Trưng sử dụng để sửa xe cho khách. Bé gái 3 tuổi người lấm lem bùn đất, áo quần nhàu nhĩ ngồi chơi một mình trên nền xi măng lạnh ngắt. 

Ngần ngại một hồi lâu, người đàn ông mới mở miệng trò chuyện với khách. Anh cho biết, anh hành nghề sửa xe đã lâu, nhưng lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thu nhập thấp, cuộc sống của mấy cha con khá bấp bênh.

Khi hỏi đến những hành động lạ như đốt nhà, đào đất trước đó, người đàn ông gãi đầu gãi tai phân trần: “Hai vợ chồng tôi bị “người âm” ám cho nên mới có hành động như thế. Chúng tôi cũng muốn có cuộc sống yên lành, nhưng bị phá hoài, không thể kiểm soát được hành động của mình”.

Cũng vì suy nghĩ bị “ma nhập”, có đến bệnh viện cũng không chữa được nên những lần chính quyền địa phương đưa đi khám bệnh cả hai vợ chồng mới kiên quyết từ chối, chỉ thuê thầy về cúng bái, đốt lửa để ... trừ tà. 

Ông Vui cho biết thêm, hiện tại, chính quyền địa phương khá lo lắng với trường hợp của anh Trưng. “Mỗi tháng, dự án “Hũ gạo tình thương” của xã sẽ cung cấp gạo cho gia đình anh, chính quyền địa phương cũng đang tiến hành làm thủ tục để anh nhận được trợ cấp hàng tháng của nhà nước. “Tuy nhiên, nếu người cha cứ duy trì cuộc sống thiếu thốn trăm bề, chúng tôi sợ những đứa trẻ lớn lên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng”, vị Phó Chủ tịch UBND xã Ba Sao thở dài.

Đọc thêm