Vị quan được suy tôn là thần linh

(PLO) -Từ Tam Quốc đến đầu nhà Tùy, mọi người luôn coi Quan Vũ là anh hùng cái thế; nhưng coi ông là thần linh để lễ bái thì bắt đầu từ triều Tùy.
Miếu Quan Đế ở Giải Châu, quê Quan Vũ
Miếu Quan Đế ở Giải Châu, quê Quan Vũ

Tam giáo cùng kính, đế vương gia phong, thiên hạ tôn vinh

Theo “Phật tổ thống ký. Trí giả truyện” có ghi: năm Tùy Khai hoàng thứ 12 (592), cao tăng Trí đến Ngọc Tuyền Sơn, Đương Dương ở Hồ Bắc xây miếu truyền giáo, đêm đến gặp một vị thần râu dài, tự xưng là tướng Thục Quan Vũ, hiện là sơn chủ Đương Dương, nguyện làm đệ tử Phật môn. Trí đại sư tâu với Tấn vương Dương Quảng, phong Quan Vũ làm “Già Lam hộ pháp thần”, từ đó ông được gọi là Quan Công.

Đạo giáo đâu dễ nhường Quan lão gia cho ngoại đạo! Đến cuối thời Bắc Tống, đã có truyền thuyết Tống Huy Tôn phái Trương Thiên Sư mời Quan Công diệt trừ yêu quái ở hồ Bách Lý Diêm, Vận Thành, Sơn Tây. Từ đó, Đạo giáo tôn Quan Công là “Đãng quỷ chân quân”, “Phục ma đại đế”.

Nho gia cũng không chịu ngồi nhìn Phật, Đạo tranh nhau, nên đương nhiên cho Quan Công đội các mũ miện “Phu tử”, “Thánh nhân”, hình thành nên văn hóa truyền thống “Văn bái Khổng Tử, võ bái Quan Công” của Trung Quốc.

Đại nho sinh La Quán Trung, không cam chịu lạc hậu, đã dùng “Tam Quốc diễn nghĩa” để khắc họa Quan Công thành một thánh nhân Nho gia mang đầy đủ các phẩm chất “Trung, nghĩa, nhân, dũng, lễ, trí, tín”, thành cột mốc huy hoàng trong lịch sử phát triển “văn hóa Quan Đế”.

Đế vương các triều đại coi Quan Công là hóa thân của “trung nghĩa”, thần tượng của “thành tín”, coi ông là thần bảo hộ của hoàng gia, liên tiếp gia phong, khiến Quan Công từ thần linh dân gian biến thành vị thần tối cao được quốc gia tế lễ. Đến năm 836, Trung Quốc xuất hiện vị hoàng đế Tống Huy Tôn Triệu Cát có nhiều thành tựu về nghệ thuật thư họa.

Không có cách gì để khiến binh cường nước mạnh, ông bèn cổ súy đạo thuật, tự xưng là “Thượng Đế Nguyên Tử Thái Tiêu Đế Quân” giáng thế, bắt các triều thần gọi là “Giáo chủ Đạo Quân Hoàng đế”. Với kỳ vọng được thần linh Quan Công phù hộ, trong 24 năm ở ngôi, Triệu Cát đã 4 lần gia phong Quan Công là “Trung Huệ Công”, đến “Sùng Ninh Chân Quân”, rồi “Võ An Vương” và “Nghĩa Dũng Võ An Vương”.

Năm 1328, hoàng đế Nguyên Văn Tôn là Đồ Thiếp Mục Nhĩ sau khi lên ngôi đã phong Quan Công là “Hiển Linh Nghĩa Dũng Võ An Anh Tế Vương”. Giới thống trị triều Nguyên đã tiếp quản thần bảo hộ Quan Công từ vương triều Tống. Bằng cách đó họ vừa làm yên lòng người Hán, vừa làm ra vẻ thiên hạ thái bình.

Võ Thần Tài Quan Công
Võ Thần Tài Quan Công

Năm 1582, hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh hạ chiếu phong Quan Công là “Hiệp Thiên Đại Đế”, năm 1590 lại truy phong ông là “Hiệp Thiên Hộ Quốc Trung Nghĩa Đế”. Phong Quan Công làm “Thánh” là kiệt tác của hoàng đế Vạn Lịch: năm 1614, ông phong Quan Công làm “Tam Giới Phục Quỷ Đại Đế Thần Uy Viễn Trấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân”, phong vợ ông (Quan Nương Nương) là “Cửu Linh Ý Đức Vũ Tiêu Anh Hoàng Hậu”, con trai Quan Bình làm “Khiết Trung Vương”, Quan Hưng là “Hiển Trung Vương”, bộ tướng Chu Thương là “Uy Linh Huệ Dũng Công”; đồng thời các Tả thừa tướng Lục Tú Phu, Hữu thừa tướng Trương Thế Kiệt (đời Nam Tống), Nhạc Phi đều được phong là “Binh Mã Đại Nguyên Soái”, Uất Trì Cung là Già Lam (Hộ Pháp Thần).

Nếu triều Minh đưa Quan Công lên đến bậc cao nhất của sự tôn sùng, thì triều Thanh lại ra sức hoàn thiện hệ thống “Nhân, Đế, Thần” của ông. Sau khi Thuận Trị hoàng đế vào trung nguyên, năm 1653 ban chiếu phong Quan Công làm “Trung Nghĩa Thần Vũ Quan Thánh Đại Đế”.

Khang Hi tự xưng mình là kiếp sau của Lưu Bị, sau khi lên ngôi ít lâu đã phong Quan Công là “Hiệp Thiên Phục Ma Đại Đế”, đích thân giá lâm Giải Châu quê hương Quan Công để tham bái, và viết lên linh tượng Quan Công “Nhị đệ, đại ca về thăm đệ”, và đề 4 chữ “Nghĩa Bính Càn Khôn”, treo tại miếu Quan Đế ở Giải Châu. 

Hoàng đế Càn Long cũng hai lần hạ chiếu, lần lượt gia thụy “Thần Dũng” và “Trung Nghĩa” và phong hiệu là “Trung Nghĩa Thần Linh Tá Quan Thánh Đại Đế”. Đến thời Quang Tự,  hiệu phong cho Quan Công dài tới 26 chữ: “Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Tá Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Thỏa Tĩnh Dực Tán Tuyên Đức Quan Thánh Đế Quân”. Ngày nay bia khắc hiệu phong đó được dựng tại Quan Lăng ở Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc.

Quan Vũ sở dĩ thành Vương, thành Đế, thành Thánh là bởi chuyện về ông được truyền tụng suốt hàng ngàn năm trong dân gian; bởi dân chúng bao đời sùng bái đạo đức của ông; cũng bởi các tôn giáo Phật, Nho, Đạo đều phụng thờ ông là thần linh của mình. Nhưng điều quan trọng hơn là hoàng đế các triều đại đều mượn tư tưởng “trung nghĩa” của Quan Vũ để giáo hóa dân chúng, đời này qua đời khác đều truy phong; vì vậy đã tạo nên một thần tượng về đạo đức “Trung Nghĩa Nhân Dũng Thành Tín” của Trung Quốc.

Quan Công - Võ thần tài của dân chúng

Khác với hoàng đế các triều đại coi trọng “trung” (trung thành) liên tục gia phong thụy hiệu cho Quan Vũ đưa ông lên thành Đế, Thánh; dân chúng lại coi trọng và thích tư tưởng “nghĩa” (nghĩa hiệp) của ông hơn. Một anh hùng thiên cổ như Quan Vũ lẽ ra không nên gắn với thứ phàm tục là tiền bạc. thế nhưng ông lại được “tục hóa”, trở thành một Võ thần tài.

Điều này bắt nguồn từ sự trọng nghĩa của ông. Ban đầu, các hội quán, thương hội ở khắp nơi đều tôn thờ Quan Công  với ý nghĩa để mọi người học tập, noi theo tư tưởng “nghĩa” của ông, kết nghĩa anh em, chung hoạn nạn, cùng phú quý.

Các hội quán phần lớn đều được lập trên cơ sở tiền tài, vì vậy dần dà họ coi Quan Công là thần tài. Nổi tiếng nhất là Tấn Thương hội quán ở Sơn Tây. Dù đi đâu làm ăn, tại các cửa hàng của thương gia quê đất Tấn (Sơn Tây) đều thờ phụng tượng Quan Vũ, cung kính gọi là Quan Công, Có lẽ một lý do bởi Quan Vũ là đồng hương của họ.

Thương gia người Tấn có mặt trên khắp Trung Quốc, do ảnh hưởng của họ, hình tượng Quan Công là vị Võ thần tài dần dần được  dân chúng thừa nhận, nhất là từ thời Minh, Thanh đến nay, Quan Công đã triệt để biến thành Võ thần tài được sùng bái, thờ phụng trong khắp cộng đồng người Hoa ở Trung Quốc và cả các nước. Trong quan niệm dân gian truyền thống, Thần Tài chưởng quản mọi của cải trên trời, còn Quan Công là Võ Thần Tài được dân gian thờ phụng.

Tranh của Nhật Bản hồi thế kỷ 19 vẽ mô tả Quan Vũ đánh cờ để Hoa Đà cạo vết thương
Tranh của Nhật Bản hồi thế kỷ 19 vẽ mô tả Quan Vũ đánh cờ để Hoa Đà cạo vết thương

Thần tượng của... xã hội đen

Ngày nay khi bàn về Tam Quốc, người ta cho rằng tập đoàn Tào Tháo giống công ty; tập đoàn Tôn Quyền giống gia đình, còn tập đoàn Lưu Bị giống bang hội. Vai trò của Quan Vũ trong tập đoàn của Lưu Bị giống như một “đả thủ” số 1 được đại ca thủ lĩnh kết nghĩa anh em. Ông dũng mãnh, liều chết bảo vệ đại ca, trung thành vô hạn, dù chết không phản bội; trượng nghĩa với những người thân cận, không tính toán được mất của cá nhân, hết lòng bảo vệ lợi ích tập đoàn.

Kiểu trung nghĩa của Quan Vũ là thể hiện mẫu mực của tinh thần trung nghĩa Nho gia, được các bang nhóm giang hồ sùng bái, kính phục. Họ thờ phụng ông là bậc thần minh và coi ông là thần tượng. Thời Tùy Đường, hảo hán lục lâm Đơn Hùng Tín tự xưng “Xích phát linh quan” tổng quản giới lục lâm 9 tỉnh rất sùng bái Quan Vũ, được tôn làm “Tiểu Quan Vũ”; khi tổ chức kết nghĩa huynh đệ đều ăn thề trước bàn thờ Quan Công. 

Về sau, Thiên Địa Hội đời Thanh cũng thờ Quan Công, coi là thần minh; sau nữa các bang hội xã hội đen như Thanh Bang, Tam Hợp Hội, Trúc Liên Bang cũng đều tôn thờ Quan Công; ngay đến các băng nhóm lưu manh nhỏ cũng đều coi ông là hình tượng của “đệ nhất đả thủ”, trung thành tuyệt đối, hết lòng bảo vệ lợi ích băng nhóm.

Tuy nhiên, cũng thật kỳ quặc khi đánh đồng “trung nghĩa” của Quan Vũ với kiểu nghĩa khí xã hội đen, kiểu như “bang quy” (quy định) của Tam Hợp hội: “Khi đã nhập bang, không được xin ra”, “không được tàn hại đồng bang”, cùng sống cùng chết…