Ý kiến trái chiều về quy định nhiều bộ SGK

(PLVN) - Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức sáng 4/4, các ĐB vẫn còn nhiều băn khoăn đối với quy định chương trình, sách giáo khoa (SGK) trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các ĐB cho rằng nên cân nhắc quy định cho phạm nhân ra lao động bên ngoài trong dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).  
Các ĐB dự hội nghị.
Các ĐB dự hội nghị.

Lo lắng khi có nhiều bộ sách

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ như quy định dự thảo Luật. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Mỗi môn học có một hoặc một số SGK.

Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình 

Tuy nhiên, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc quy định nói trên. Theo ĐB, việc quy định tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh khi chọn SGK về mặt lý luận là có sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng và được sự đồng tình của các bên nhưng thực tế đây chỉ là ý kiến chủ quan của người đứng đầu cơ sở giáo dục bởi cha mẹ học sinh không thể có đầy đủ thông tin để lựa chọn.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi)
ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) 

Quy định này còn có thể dẫn đến hệ lụy là mỗi trường lại có SGK khác nhau. “Như vậy có đảm bảo quy định sử dụng ổn định SGK trong giảng dạy không? Không loại trừ khả năng mỗi học kỳ, mỗi năm học lại thay đổi SGK dẫn đến lãng phí cho xã hội”, ĐB nhận định. 

ĐB Trang cũng chỉ ra rằng quy định các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn SGK có thể dẫn đến việc hình thành thị trường SGK, kèm theo các hệ lụy của mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Từ đó, ĐB đề nghị ban hành bộ SGK áp dụng thống nhất trên cả nước.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng việc quy định các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn SGK có thể dẫn đến tình trạng học sinh chuyển trường, chuyển vùng cũng phải thay sách; đồng thời sau này còn có thể có hiện tượng xúc tiến thương mại sách.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang)
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) 

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa đặt vấn đề: “Quy định giao cho trường chọn SGK trên cơ sở tham khảo cha mẹ học sinh và học sinh nhưng cha mẹ học sinh làm sao đủ thông tin, hiểu biết hết để chọn sách, các em cũng đã học đâu mà biết chọn sách nào? Cùng một tỉnh, TP mà mỗi trường một loại sách thì rất phức tạp”.

Trái với quan điểm trên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa rất phù hợp vì sách chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô đưa các em tiếp cận nhanh, tốt hơn với chương trình giáo dục phổ thông. Sách nào giúp tiếp cận nhanh và tốt hơn thì được lựa chọn. Khi đó, nhà nước sẽ tận dụng được chất xám của tri thức trong biên soạn sách giáo khoa, tránh việc một người biên soạn không có sự cạnh tranh.

“Nguyên tắc là biên soạn phải bám vào chương trình khung chứ không phải muốn viết gì thì viết. Còn việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tôi hiểu là chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm. Điều này cũng phù hợp vì học sinh phải biết lịch sử địa phương chứ”, ông Phương nói.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ thực hiện đúng như mục tiêu, tinh thần các nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo Bộ trưởng Nhạ, khác với những lần đổi mới trước, lần này, chương trình SGK tổng thể sẽ bám vào mục tiêu, đi vào chi tiết và môn học, tất cả được xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra, có sự logic giữa các môn học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình các nội dung Đại biểu QH quan tâm
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình các nội dung Đại biểu QH quan tâm

Để đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và văn hóa địa phương, trong chương trình thiết kế tỷ lệ 80% nội dung kiến thức khung thống nhất toàn quốc, còn lại 20% thiết kế linh động tùy thuộc vào địa phương. Các chương trình này viết theo hướng dẫn của Bộ và sẽ được thẩm định để thống nhất với chương trình tổng thể rồi mới ban hành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Luật Giáo dục không đứng riêng được mà phải đứng trong tổng thể với các luật khác. “Có nhiều vấn đề hạn chế, tiêu cực trong ngành, nhưng nhìn lại không phải do luật chưa tốt mà do thực hiện chưa tốt. Luật Giáo dục lần này đã bám vào xu thế thế giới để hội nhập, trong đó có xu thế là không nhồi nhét, phải sáng tạo và tận dụng công nghệ mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Luật Giáo dục không đứng riêng được mà phải đứng trong tổng thể với các luật khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Luật Giáo dục không đứng riêng được mà phải đứng trong tổng thể với các luật khác. 

Cân nhắc quy định cho phạm nhân ra lao động bên ngoài

Chiều 3/4, các ĐB cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). ĐB Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng cần xem xét quy định về điều kiện, địa điểm để tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam như khoảng cách địa lý, đảm bảo việc quản lý chấp hành hình phạt tù của phạm nhân… 

Bên cạnh đó, cũng cần nêu rõ thời gian lao động ngoài trại giam của các phạm nhân. “Thời gian họ làm như thế nào, có mức trần hay không? Họ đi làm thì ở luôn bên ngoài, ăn cơm, nghỉ ở ngoài hay ban ngày họ đi ra ngoài làm rồi đến tối về ngủ lại trong trại giam?”, ĐB đặt một loạt những câu hỏi. Theo ĐB, những vấn đề này nếu quy định không rõ ràng thì trong quá trình thực hiện rất dễ bị lạm dụng, lợi dụng và dẫn tới những vấn đề phức tạp, khó lường khác. Do vậy, cần phải nghiên cứu để quy định chặt chẽ, trách nhiệm, tránh những hệ lụy có thể xảy ra.

Về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân được quy định ở Điều 34 của dự thảo Luật, ĐB cho rằng quy định chi trả một phần công lao động trong dự thảo Luật còn thiếu minh bạch và rõ ràng. “Một phần là bao nhiêu? Vấn đề này cần quy định rõ hơn để tránh khó khăn trong triển khai thực hiện cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân”, ĐB nói.

Đồng tình với việc quy định tổ chức lao động cho phạm nhân, ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH – nhận định việc này vừa gắn với dạy nghề, tái hòa nhập, quản lý phạm nhân và đồng thời cũng tạo ra giá trị nhất định cho xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách. 

Cho biết khi tiếp xúc, đa số các phạm nhân đồng tình, mong muốn QH thông qua chính sách này nhưng ĐB cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá tác động để có cơ sở đưa chính sách vào cho yên tâm.

Ngược lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH – cho rằng việc tổ chức cho phạm nhân lao động bên ngoài là mô hình có thể dẫn tới nhiều rủi ro và tiêu cực. Do vậy, ĐB đề nghị chỉ tổ chức cải tạo bằng lao động cho phạm nhân trong phạm vi của trại giam và trại tạm giam, tận dụng tất cả những nguồn lực sẵn có, cần thiết Nhà nước và ngành Công an hỗ trợ để tạo ra được môi trường lao động trong phạm vi để người ta biết người ta đang chấp hành án, đang phải đi tù.

Đọc thêm