Đó là những chia sẻ cũng là trăn trở của Đại tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) khi trao đổi với PLVN về ý tưởng thành lập lực lượng đưa người say rượu về nhà tại các điểm kinh doanh bia, rượu.
Theo ý tưởng của Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia (UBANGTQG), cơ quan này sẽ phối hợp với Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông". Mô hình này bước đầu sẽ thí điểm tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Tại các điểm kinh doanh bia, rượu sẽ có lực lượng vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia rượu; có dịch vụ trông giữ xe qua đêm và dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu, bia về nhà để đảm bảo an toàn.
“Đây là một vấn đề khá mới ở nước ta, nhưng trên thế giới thì nhiều nước đã làm. Mục đích của việc làm này rất nhân văn và nhân đạo, không chỉ trợ giúp cho người tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật mà còn đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng của họ. Chính vì vậy, theo tôi sáng kiến của UBATGTQG là một ý tưởng tốt đẹp”- Đại tá Trần Sơn bày tỏ.
Cho rằng việc người dân cũng như cán bộ, công chức giao lưu, hàn huyên với bạn bè sau mỗi giờ tan tầm tại các quán bia là chuyện bình thường, nhưng ông Sơn cũng cảnh báo, nếu uống quá nồng độ cồn cho phép mà vẫn điều khiển xe thì sẽ vô cùng nguy hiểm. “Khi không tự chủ được hành động của mình, “anh” không chỉ tự gây tai nạn cho bản thân mà còn mang họa cho người khác. Do đó, việc có lực lượng đưa người say rượu về nhà vô cùng có ý nghĩa”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, để triển khai hiệu quả ý tưởng này trong thực tế phải có rất nhiều điều kiện đi kèm. “Chắc chắn nhiều người sẽ phân vân rằng nhà hàng kinh doanh rượu, bia có đảm bảo cả về mặt pháp lý khi nhận trông xe qua đêm và đưa khách say rượu về nhà? lực lượng nào (bảo vệ nhà hàng hay người của cơ quan chức năng) sẽ đưa khách say rượu về? trang phục của họ ra sao? Khi say rượu có thể khách hàng cho địa chỉ gia đình không chính xác thì lúc này phải đưa họ về đâu cho an toàn? Nếu khách không đồng ý đưa về thì tính sao?...Tất cả những vấn đề này, theo tôi cần phải bàn bạc và cân nhắc thật kỹ lưỡng. Có thể phải tổ chức những buổi hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia và cần thiết là lấy ý kiến của người dân”- Đại tá Sơn đề xuất.
|
Nếu uống quá nồng độ cồn cho phép, khách không nên điều khiển xe (Ảnh minh họa từ Internet) |
Đề cao hiệu quả của công tác thông tin tuyền truyền, ông Sơn cũng nhấn mạnh đến việc tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi cho người dân và các nhà hàng kinh doanh rượu bia về chủ trương của UBATGTQG để họ chủ động nắm bắt thông tin. Vị Đại tá này khuyến nghị: “Để đạt kết quả cao, bước đầu chỉ nên thí điểm ở một số nhà hàng lớn, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng. Những nhà hàng này phải có tư cách pháp nhân nhằm đảm bảo về mặt pháp lý cũng như sự an toàn về tính mạng và tài sản của khách hàng.
Tại các điểm kinh doanh cần có những nội quy, quy định cụ thể liên quan đến việc uống rượu bia (những nội quy, quy định này phải được cơ quan chức năng phê duyệt hoặc thông qua). Nếu cần thiết, các quy định này nên ghi rõ trên một tấm bảng lớn để khách hàng dễ nhìn, dễ đọc. Thông tin là những vấn đề mà khách hàng quan tâm như: khi nào được chở người say về nhà? Trong trường hợp nào nhà hàng được dùng điện thoại hoặc các giấy tờ tùy thân của khách để hỗ trợ cho việc đưa họ về nhà? Mức phí trông giữ xe qua đêm là bao nhiêu?? v.v…”.
“Nếu khách hàng là nữ mà say rượu thì sẽ do nhân viên nam hay nữ “hộ tống” về nhà? Phải gắn trách nhiệm của lực lượng đảm trách công việc đối với tài sản và tính mạng của khách hàng ra sao để phòng tránh trường hợp khách hàng bị lạm dụng hoặc bị mất cắp tài sản? Đây là những vấn đề khá tế nhị nhưng cần được đặt ra để giải quyết thật kín kẽ trước khi bắt tay triển khai vào thực tế”- ông Sơn đề nghị./.