Yên Bái hỗ trợ 100 triệu đồng không tuyển được giáo viên tiếng Anh mới, Hà Nội xin xây hầm trường học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bí thư tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh ra chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp tuyển mới giáo viên tiếng Anh, giáo viên tin học nhưng không tuyển được ai. Hà Nội mỗi năm tăng 50.000 - 60.000 học sinh song nội thành không còn quỹ đất xây thêm cơ sở dạy học nên đề xuất nâng tầng và xây dựng tầng hầm ở một số trường...
Ảnh: Chinhphu.vn
Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều 18/8. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hỗ trợ giáo viên tiếng Anh 100 triệu đồng nhưng không tuyển được ai

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, tỉnh đã ra chính sách tuyển mới giáo viên tiếng Anh, giáo viên tin học với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp mà không tuyển được ai.

Năm học 2022-2023, để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Yên Bái đã phải nhờ Nam Định dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại 5/9 huyện của tỉnh.

"Tình trạng thiếu giáo viên nói chung ở tỉnh đã kéo dài do khó khăn trong khâu tuyển dụng. Hiện tại số giáo viên của tỉnh mới đạt 86,5% so với định mức. Cụ thể, tỉnh tuyển dụng 2531 chỉ tiêu giáo viên nhưng chỉ có 1359 hồ sơ đăng ký, 726 người trúng tuyển, chiếm 28% tổng chỉ tiêu", ông Duy nêu.

Từ những khó khăn trên, tỉnh Yên Bái đề xuất một số vấn đề: Chính phủ tiếp tục quan tâm giao bổ sung biên chế, đảm bảo đủ định mức và kèm theo đó lộ trình tinh giảm biên chế theo chỉ đạo của Bộ chính trị. Biên chế được giao đáp ứng 91% nhu cầu theo định mức. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 116 năm 2016 về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở vùng khó khăn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đề xuất Bộ GD&DT sửa đổi các thông tư hiện hành quy định về danh mục, khung vị trí việc làm và định mức việc làm cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, không nên quy định định mức chung. Cho phép các tỉnh miền núi được tuyển vào các huyện vùng cao GV tiểu học, THCS theo chuẩn cũ tức là cử nhân cao đẳng đồng thời có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển giáo viên hiện nay nhất là khu vực miền núi khi số dự tuyển chỉ chiếm hơn 50%.

Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm thiếu 11.308 người so với năm học 2021-2022.

Năm học 2022-2023, đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu GV còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật giáo dục 2019 còn thấp như cấp mầm non ở vùng Đông Nam Bộ (tỷ lệ đạt chuẩn là 75,4%), cấp tiểu học ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (tỷ lệ đạt chuẩn là 77%). Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.

Về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả tại các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 (tính đến nay), các đội tuyển đều đạt thành tích cao. Cụ thể, có 11 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc, 12 huy chương đồng và 05 bằng khen.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.

Tăng 50.000 - 60.000 học sinh/năm, Hà Nội xin xây hầm trường học ở nội thành

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay Hà Nội là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn TP có 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX với gần 2,2 triệu học sinh.

Thành phố đã trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư công với giáo dục, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí hơn 30 nghìn tỷ triển khai thực hiện 653 dự án đầu tư xây dựng cải tạo, sửa chữa các trường học trên thành phố, thí điểm xây dựng trường học có nhiều cấp học trên địa bàn thành phố.

Hà Nội hiện tăng dân số cơ học rất nhanh, mỗi năm tăng 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương 30-40 trường học nhưng nội thành không còn quỹ đất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất cho phép tính diện tích trên mỗi học sinh theo diện tích sàn xây dựng để phù hợp thực tế. Đồng thời xin nâng tầng và xây dựng tầng hầm ở một số trường học trong khu vực nội thành.

Xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, biên chế của ngành Giáo dục năm 2021 là 1.375 715 người, trong đó khối TƯ là 50.699, ở địa phương là 1.328 016 biên chế. Khối mầm non và THPT là 1.131 001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850.

Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Hiện nay, ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện KTXH khác nhau. Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa.

Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Để khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng nêu 3 giải pháp: Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá. Ngoài ra, các địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.

Đọc thêm