Hôm 14/11, quân đội Zimbabwe đã tiến hành cuộc đảo chính, quản thúc Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân Grace, tước quyền của một tổng thống lớn tuổi nhất và cũng là một trong những nhà lãnh đạo tệ nhất ở châu Phi.
“Đảo chính cung đình”?
Thế nhưng đây không phải là sự nổi dậy của công chúng chống lại nền độc tài. Thay vào đó, người ta được chứng kiến một cuộc “đảo chính cung đình” ngay trong nội bộ đảng cầm quyền ZANU-PF. Nhà lãnh đạo trong tương lai của Zimbabwe, nhiều khả năng sẽ là cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa hoặc một người thân tín của ông này, sẽ lại tiếp tục nền chuyên chế của Robert Mugabe, dù yếu tố chi phối cá nhân có thể giảm bớt.
Robert Mugabe là Tổng thống duy nhất cho đến nay của Zimbabwe kể từ khi quyền lực thống trị của người da trắng thiểu số chấm dứt vào năm 1980. Sau khi giành được độc lập, nền chính trị của Zimbabwe được tạo dựng xoay quanh những mâu thuẫn sắc tộc, Robert Mugabe liên kết với nhóm sắc tộc Shona, đối thủ của bộ tộc Nbedele.
Quyền sở hữu đất sản xuất khi đó đa phần vẫn nằm trong tay nhóm da trắng thiểu số. Dù được thế giới ca ngợi trong thập kỉ đầu tiên nắm quyền do theo đuổi chính sách hòa hợp sắc tộc với người da trắng, nhưng Robert Mugabe cũng hủy diệt hệ thống quyền lực chính trị của các nhóm đối lập, vi phạm nhân quyền tràn lan và kích động xung đột sắc tộc trong khi theo đuổi tiến trình.
Phá hủy pháp trị
Năm 1993 là điểm thay đổi bước ngoặt trong lịch sử Zimbabwe. Đối diện với phản kháng chính trị ngày một tăng mà Robert Mugabe cho là được nhóm da trắng tài trợ, ông đã cổ vũ giới cựu binh dùng vũ lực chiếm giữ đất đai thuộc quyền sở hữu của dân da trắng mà không cần bồi thường. Phong trào này đã phá hủy những gì còn sót lại của pháp trị, làm suy yếu các thiết chế dân chủ của đất nước.
Sau khi lãng phí nguồn lực trong nông nghiệp, chính sách kinh tế của Mugabe đã ngay lập tức đẩy các ngành khác từng được xem là động lực của nền kinh tế non trẻ lao dốc. Cùng lúc, tình cảnh tiệm cận nạn đói bùng nổ, siêu lạm phát tràn lan đến độ Zimbabwe từng phải áp đặt chính sách lấy đồng USD làm tiền tệ quốc gia.
Nhiều người Zimbabwe tháo chạy ra nước ngoài dưới dạng tị nạn kinh tế và trải khắp châu Phi. Phần lớn những ngành kinh tế chủ chốt, đặc biệt là khai thác kim cương, rơi vào tay các công ty nước ngoài và số chính trị gia thân cận Mubabe. Kể từ năm 2001, Mỹ và Anh đã áp lệnh cấm vận chống Zimbabwe do tình trạng vi phạm nhân quyền, pháp trị; đáp lại, các tuyên bố và chính sách của nhà độc tài càng ngày càng lộ rõ tính chất chống phương Tây.
Bầu cử vẫn được tiến hành trong thời kỳ ông Mugabe nắm quyền. Khi mức độ chống đối gia tăng nhằm vào cá nhân mình, Robert Mugabe tìm cách tăng cường đàn áp và đe nẹt để níu kéo quyền lực. Ông ban phát bổng lộc cho số tướng lĩnh quân sự nhằm có được sự hậu thuẫn, bao quanh mình luôn là một mạng lưới chóp bu trung thành. Ở độ tuổi 93, cấp độ chuyên quyền của Robert Mugabe luôn tăng theo thời gian và gần đây lệ thuộc vào bà Grace- phu nhân Mugabe. Can thiệp của phái quân đội vào đêm 14-15/11 vừa qua chính là cuộc đảo chính cung đình trong nội bộ ZANU-PF nhằm loại trừ bà Grace.
Đảng ZANU-PF luôn có xu hướng phân tách dựa trên thủ lĩnh và gần đây nổi lên hai lực lượng: phe thân cận với Mnangagwa (người bị tước quyền Phó Tổng thống hôm 6/11), bao gồm số tướng lĩnh và cựu tướng lĩnh từng đứng lên lật đổ nền thống trị của da trắng thiểu số năm 1980. Đối lập là nhóm có tên gọi G-40, do bà Grace đứng đầu, phần đông là lớp trẻ và thuộc giới dân sự.
Cả bà Grace và ông Mnangagwa đều có tiếng là tàn bạo và không có sự khác biệt về chính sách giữa hai nhóm này. Điểm khác biệt duy nhất chỉ là xác định xem ai sẽ là người kế vị Robert Mugabe khi ông này từ trần hoặc từ chức vì không còn đủ năng lực lãnh đạo.
Quyết định sa thải Mnangagwa của Robert Mugabe cho thấy nhà độc tài quyết định ủng hộ vợ mình. Quân đội liền có bước đi phản kháng, với lý do hành động để diệt trừ “các phần tử tội phạm xung quanh ông Mugabe”. Nhưng giới tướng lĩnh không cho thấy bất kì tín hiệu nào về kế hoạch thay đổi hệ thống kinh tế, chính trị đã được Robert Mugabe tạo lập ở Zimbabwe. Sự thực là Robert Mugabe đã bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính cung đình và điều này có thể sẽ khích lệ các nhóm đối lập khác lên tiếng đòi cải cách. Đó sẽ là thách thức đối với những người kế nhiệm Robert Mugabe...