Đánh bắt trái phép: Đa hệ lụy

(PLO) - Từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 1.000 ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh cá trái phép trở về nước. Dù đã được tuyên truyền, buộc viết cam kết trước khi rời bến nhưng tình hình đánh cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn. Thực trạng này đã gây ra thiệt hại kinh tế, tài sản của chính ngư dân và hệ lụy kéo theo cho Nhà nước, các cấp chính quyền cũng như quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.
239  ngư dân được tàu CSB 8001 đưa từ Indonesia về.
239 ngư dân được tàu CSB 8001 đưa từ Indonesia về.

Ngày 6/10, tại cảng PTSC (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức tiếp nhận 239 ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ, được tàu Cảnh sát Biển số hiệu CSB 8001 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đưa từ Indonesia trở về Việt Nam. Các ngư dân bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ được trao trả về nước lần này thuộc 6 tỉnh gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bình Định, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số lượng đông nhất với 112 ngư dân, Bạc Liêu có số lượng ít nhất với 8 ngư dân. Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh BĐBP, Vùng Cảnh sát Biển 3, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành tiếp nhận, hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục theo quy định.

Ngay sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức bàn giao các ngư dân cho lực lượng BĐBP và đại diện các địa phương về đoàn tụ cùng gia đình. Riêng các ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đưa về Đồn BP Chí Linh và phối hợp với lực lượng Công an tỉnh để tiến hành thẩm vấn, xác minh và chăm sóc sức khỏe, sau đó bàn giao cho chủ phương tiện đưa về đoàn tụ với gia đình.

Đại tá Đào Quang Hiển - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin: “239 ngư dân bị bắt giữ từ tháng 7/2017 đến nay. Đây là lần thứ hai trong năm 2017, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển Indonesia, bị nước sở tại bắt giữ và trao trả về nước. Lần đầu tiên vào ngày 11/6/2017 với 659 ngư dân”.

Đại tá Phạm Văn Phong - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Đa số ngư dân trả về là nạn nhân của thuyền trưởng, họ chỉ đi theo tàu đánh bắt cá. Trong số những ngư dân này, có cả những thuyền trưởng đã bị nước bạn phạt tù, nay mãn hạn trở về. Những thuyền trưởng vi phạm bị nước bạn phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nay trở về, các thuyền trưởng vi phạm sẽ bị tịch thu bằng thuyền trưởng. BĐBP và ngành chức năng đã và sẽ yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước bạn”.

Từ ngày 1/1/2013 đến 31/3/2017, 134 tàu cá/1.014 ngư dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị nước ngoài bắt giữ vì lý do đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển của nước bạn. Trong đó, Indonesia bắt 132 tàu cùng 997 ngư dân, Malaysia bắt 2 tàu cùng 17 ngư dân. 

Trong năm 2016 có đến 1.110 ngư dân Việt Nam (nhiều gần gấp đôi năm 2015 và gấp 4 lần năm 2012) bị phía Indonesia tạm giữ ở các đảo Batam, Natuna, Pontianak, Tarempa, Bitung Sulawesi, Papua vì cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng biển nước này. Bốn tháng đầu năm 2017 đã có 42 tàu với 392 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Chỉ trong tháng 3, số tàu vi phạm và bị bắt đã tăng đột biến, lên con số 35 tàu với 330 ngư dân. Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt tiếp nhận ngư dân Việt bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ. 

Ngày 9/6/2017, Vùng Cảnh sát Biển 3 đã cử hai tàu Cảnh sát Biển số hiệu CSB 8001 và CSB 8005 tiếp nhận 695 ngư dân Việt Nam được trao trả tại cảng Batam, tỉnh Riau của Indonesia.  695 ngư dân trở về này từ 100 tàu của 9 tỉnh của Việt Nam gồm: Bà Rịa - VũngTàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang đã được trở về nước lần này, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đông nhất với 311 ngư dân, Phú Yên ít nhất với 5 ngư dân. Các ngư dân bị tạm giữ tại các đảo Pontianak, Tanjung Pinang, Tarempa và Natuna. Từ đầu năm 2017 đến tháng 6/2017, đã có 1.035 ngư dân Việt Nam được đưa về nước, bằng số ngư dân được trao trả trong cả năm 2016. Trước đây, việc trao trả được thực hiện qua đường hàng không, do số lượng ngư dân bị bắt giữ quá lớn nên trao trả trên biển là hình thức vận chuyển an toàn, hiệu quả nhất.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng nhức nhối trên là do ngư dân cố tình vi phạm vì hám lợi mà bất chấp tất cả, do ngư trường cạn kiệt. Thực trạng trên còn có nguyên nhân do tàu cá nước ngoài móc nối để trục lợi, một số cá nhân thuộc lực lượng chấp pháp của nước bạn “bảo kê”, “hợp đồng chui” cho các tàu cá Việt Nam khai thác hải sản tại vùng biển của mình.  

Một số trường hợp ngư dân bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ trên vùng biển Việt Nam. Do bất đồng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết hạn chế, hơn nữa lại không có lực lượng chấp pháp của Việt Nam nên ngư dân buộc phải ký vào biên bản vi phạm. Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đã dẫn chứng: “Vào ngày 19/4/2017, ba tàu cá của Phước Tĩnh bị hải quân Indonesia bắt tại vị trí 07012’ vĩ độ Bắc- 108037’ kinh độ Đông”. Theo ông Nhỏ, vị trí này thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam. 

Về nguyên nhân ngư trường cạn kiệt, ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Là do cách khai thác tận diệt bằng hình thức đánh giã cào (cào bay, cào lết). Đồng thời còn có nguyên nhân đánh bắt bằng thuốc nổ, đèn cao áp, hóa chất, xung điện, kích điện. Thực trạng này đã gây ra thiệt hại kinh tế, tài sản của chính ngư dân và hệ lụy kéo theo cho Nhà nước, các cấp chính quyền cũng như quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước”.

Đọc thêm