Hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước

(PLO) -  Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước... đây chính là một trong những lý do cho sự ra đời của Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/7/2016 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (sau đây gọi là dự án Luật).

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công an, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001. Pháp lệnh đa góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng cho biết:Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang,thiếu chủ động…

Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cần thiết phải có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Dự luật này được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;phù hợp với điều kiện, yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay.

Trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn, Dự thảo Luật được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 39 điều.

Thẩm tra Dự án luật, UBQPAN tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước như Tờ trình của Chính phủ đã nêu và nhấn mạnh: Qua hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày càng cao; mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến tại cuộc họp lần này. 

Đọc thêm