1 người tử vong, 2 người nguy kịch sau ăn nấm rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi ăn nấm rừng, 3 thành viên trong gia đình ở Tây Ninh có dấu hiệu bị ngộ độc phải nhập bệnh viện cấp cứu. Do nhiễm độc quá nặng nên người chồng đã tử vong.
Hai bệnh nhân ngộ độc nấm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC
Hai bệnh nhân ngộ độc nấm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 6/6, đơn vị tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc nấm. Người chồng là ông C.H.H (sinh năm 1980) có tình trạng khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản nhưng do ngộ độc quá nặng nên đã tử vong tại khoa Cấp cứu. Người vợ và con gái sau đó được chuyển lên khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng suy gan cấp, men gan rất cao kèm theo rối loạn đông máu.

Trước đó, ngày 4/6, ông C.H.H vào rừng hái nấm về xào cùng mướp cho vợ và con gái 17 tuổi ăn. Ông H ăn nhiều nhất, khoảng một nửa phần nấm xào mướp, người vợ và con gái ăn phần còn lại.

Khoảng 8 - 12 giờ sau khi ăn, cả 3 người có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần và ngày càng nặng hơn. Đến khoảng 2h hôm sau, 3 người được đưa đến bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo thông tin từ bệnh nhân, đây là lần thứ 2 gia đình đã ăn loại nấm này. Do lần đầu tiên ăn thì không có triệu chứng gì nên lần này gia đình tiếp tục sử dụng.

Sau 2 ngày điều trị, sức khoẻ người con 17 tuổi có cải thiện nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm chức năng gan và rối loạn đông máu. Riêng người vợ vẫn nguy kịch, rối loạn chức năng gan vẫn diễn tiến xấu. Các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp hồi sức như lọc máu, điều trị hỗ trợ gan nhưng tiên lượng rất dè dặt.

TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó khoa bệnh Nhiệt đới cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ biểu hiện các bệnh nhân do ngộ độc sau khi ăn nấm. Hiện tại vẫn chưa xác định được các bệnh nhân bị ngộ độc nấm gì, độc tố nào vì cần thêm thời gian để thu thập thông tin từ gia đình”.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Thủy Ngân khuyến cáo người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại nấm ở rừng bởi có không ít trường hợp đã ăn nhầm nấm độc và bị ngộ độc nấm. Đặc biệt, mùa mưa là thời điểm nhiều loại nấm sinh sôi nhất. Ngoài ra, nấm rừng dù không độc vẫn có thể bị nhiễm độc tố từ các loại nấm rừng khác hoặc con vật có độc tiết, chất độc dính vào nấm. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại nấm được hái từ rừng nhằm tránh bị ngộ độc.

"Thông thường, các trường hợp bị ngộ độc nấm sẽ có diễn biến rất nhanh, có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân nếu có các triệu chứng ngộ độc nghi ngờ do nấm gây ra thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời', bác sĩ Ngân khuyến cáo thêm.

Đọc thêm