|
Theo BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tiếp nối sau thủy đậu, bệnh sởi, gần đây "nạn nhân" tiếp theo của việc truyền tai "kiêng tắm" là COVID-19.
BS Tiến cho hay giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh. Thực tế, có những "lời đồn" bệnh nhân COVID-19 nặng lên sau một lần tắm gội là không có cơ sở. Miền Bắc đang trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, bác sĩ Tiến khuyến cáo các F0 điều trị tại nhà hãy đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ ấm cơ thể.
Dù truyền tai nhau kiêng tắm gội, nhưng nhiều người lại "hâm mộ quá đà" xông lá để ra nhiều mồ hôi, hạ sốt, thông mũi... Trong Đông y, xông là biện pháp giúp một số người bị viêm đường hô hấp do virus giảm cảm giác khó chịu, đỡ mệt mỏi.
Các bác sĩ nói không cần thiết lạm dụng thái quá việc xông lá, không xông toàn thân, xông quá lâu. Nếu lạm dụng, thực hiện xông không đúng cách sẽ gây mất nước nhiều làm cơ thể mệt mỏi hơn. Xông nhiều, xông quá lâu cũng tổn thương niêm mạc hô hấp, sẽ là yếu tố thuận lợi bội nhiễm vi khuẩn giai đoạn sau.
|
Một số người khi mới có kết quả test nhanh dương tính đã vội vàng tìm mua ngay các loại thuốc như thuốc kháng virus, kháng sinh, chống đông, kháng viêm... dù cơ thể chưa có triệu chứng bệnh hoặc triệu chứng nhẹ.
Theo BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các thuốc kháng virus dùng không đúng đối tượng không có tác dụng dự phòng nhiễm nặng, hay ngăn ngừa biến chứng hậu COVID-19 sau khỏi bệnh. Chưa kể, uống sớm quá hoặc không đúng chỉ định có tác dụng phụ không mong muốn về sau.
Đặc biệt với thuốc kháng virus Molnupiravir chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lí nền về gan, thận...
Với thuốc kháng viêm, chống đông, kháng sinh, theo BS Khiêm, đây là các thuốc có tác dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện (bị nặng).
Với thuốc chống viêm nhóm corticoid, thuốc chống đông, BS Khiêm khuyên tuyệt đối F0 điều trị ở nhà không mua, không tích trữ, không tuỳ tiện sử dụng. Việc dùng các thuốc này không đúng chỉ định vừa không có lợi mà còn có tác dụng phụ.
Ví dụ, thuốc có Corticoid gây suy giảm miễn dịch và nguy cơ gây nặng hơn nếu không dùng đúng thời điểm; gây rối loạn chuyển hoá, mất kiểm soát đường huyết ở người tiểu đường, tăng huyết áp…
Thuốc chống đông chỉ có lợi chỉ có lợi cho bệnh nhân nặng cần nhập viện, với người nhẹ, uống thuốc chống đông làm tăng nguy cơ chảy máu.
Với thuốc kháng sinh , BS Khiêm khẳng định COVID-19 là bệnh do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng trên virus. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bằng chứng khoa học, tỷ lệ người mắc COVID-19 đồng nhiễm vi khuẩn đi kèm vô cùng thấp (1/1.000). Do đó, người dân không cần mua dự trữ kháng sinh, không dùng kháng sinh tràn lan, gây tác dụng phụ không mong muốn.
|
Một số sản phẩm được quảng cáo tăng cường miễn dịch, sức đề kháng, thực tế theo BS Khiêm có rất ít bằng chứng chứng minh có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 nặng; không được vào các khuyến cáo, hướng dẫn, quản lý điều trị hay dự phòng bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam hay thế giới.
"Cá nhân tôi khuyến cáo không nên mua, dự trữ, dùng các loại sản phẩm này vì hiệu quả của các sản phẩm chưa rõ ràng, trong khi lại tốn kém" - BS Khiêm nhấn mạnh.
|
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, việc liên tục xét nghiệm COVID-19 là điều không cần thiết với F0 điều trị tại nhà và các F1.
Với F1 mới tiếp xúc với F0 chưa cần xét nghiệm ngay vì virus cần có thời gian nhân lên trong cơ thể. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành ngày 21/2, với F1 chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 cách ly tại nhà (với người đã tiêm ít nhất 2 mũi) hoặc ngày thứ 7 (nếu chưa tiêm hoặc chưa đủ 2 mũi). Ngoài ra, việc xét nghiệm với F1 cũng nên làm khi có triệu chứng.
Với F0 theo dõi tại nhà không nên test nhiều, chỉ cần test lại sau 7 ngày vì nồng độ virus chỉ thay đổi ở ngày thứ 7.
Những điều "KHÔNG" trong sinh hoạt khi điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
|