“Bẫy” làm đẹp từ các cơ sở thẩm mỹ “chui”
Ngày 25/10, Sở Y tế TP HCM đã báo cáo về hai cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép tại quận 1 và Thủ Đức, gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời có dấu hiệu né tránh và bỏ trốn sau khi gây tai biến cho khách hàng. Sở Y tế cho biết sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an TP HCM để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp thứ nhất, Tổ công tác đặc biệt Sở Y tế nhận được thông tin của Trung tâm Cấp cứu 115 về trường hợp bệnh nhân nghi sốc phản vệ sau hút mỡ bụng tại cơ sở trên địa bàn quận 1. Trường hợp thứ hai ghi nhận thông qua báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức về trường hợp bệnh nhân nhập viện do có dấu hiệu khó thở sau khi được tiêm thuốc tê và phẫu thuật tại cơ sở trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Đáng nói, cả hai cơ sở này đều chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và còn có dấu hiệu hành hung người, né tránh, bỏ trốn khi gây tai biến cho khách hàng. Hiện, Sở Y tế TP HCM cho biết đang làm rõ hành vi vi phạm của hai cơ sở nói trên và sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an Thành phố để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đặc điểm của những cơ sở thẩm mỹ này thường xuất phát từ các cơ sở làm đẹp, spa chăm sóc da hay thậm chí cả tiệm cắt tóc, gội đầu cũng “lấn sân” với các thủ thuật y tế chuyên sâu, dù đều hoạt động không có giấy phép hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP HCM, mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận từ 200 - 500 trường hợp gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. Trong đó, 69% liên quan đến thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan đến thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất... Theo thống kê cho thấy, khoảng 77% số ca tai biến xảy ra ở spa và cơ sở thẩm mỹ không phép, 13% do tự thực hiện các thủ thuật tại nhà…
Tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ làm đẹp
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước tiên, các cơ sở thường vì lợi nhuận mà không tuân thủ hoặc cố tình vi phạm pháp luật. Thứ hai, năng lực của người hành nghề và khả năng quản lý của các cơ sở thường không đáp ứng yêu cầu. Thứ ba, mặt trái của mạng xã hội dẫn đến thông tin không được kiểm chứng, người dân bị dẫn dắt, bị trục lợi. Thứ tư, tình trạng đào tạo và dạy nghề “chui” cũng góp phần làm gia tăng các cơ sở thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ “chui”. Cuối cùng là quy định pháp luật Việt Nam vẫn còn những khoảng trống, chưa phù hợp với thực tiễn, chế tài, xử phạt chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, việc các cơ sở làm đẹp do tuy được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng không thuộc đối tượng quản lý của ngành Y tế đã tạo ra một thách thức lớn về việc đảm bảo an toàn trong các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Những cơ sở này thường hoạt động “lấn sân” các thủ thuật y tế chuyên khoa, gây khó khăn cho công tác kiểm soát chất lượng và an toàn trong lĩnh vực thẩm mỹ, khiến người tiêu dùng dễ gặp rủi ro về sức khoẻ khi sử dụng dịch vụ.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, xác minh những thông tin phản ánh về các cơ sở này đóng trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm của các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Theo đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định và theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định.
Về phía người dân, cần nâng cao hiểu biết, cảnh giác, thận trọng, khi có nhu cầu làm đẹp, chữa bệnh cần tìm đến các cơ sở chuyên môn được cấp phép, có uy tín để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo gian dối, người dân cần có biện pháp thu thập bằng chứng và báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.