10 năm Luật lý lịch Tư pháp đi vào thực tiễn: Nhiều lợi ích cho người dân

(PLVN) -Ngày 24/11, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Luật Lý lịch Tư pháp do Bộ Tư pháp - Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.
10 năm Luật lý lịch Tư pháp đi vào thực tiễn: Nhiều lợi ích cho người dân

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện Thường trú Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm lý lịch Tư pháp quốc gia.

98% phiếu LLTP được cấp đúng thời hạn

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật đã khẳng định được vị trí quan trọng trong quản lý nhà nước, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan tư pháp. Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. 

 
Đến nay, Luật LLTP đã đem đến 3 kết quả nổi bật. Thể chế pháp luật liên quan đến công tác lý lịch tư pháp được xây dựng khá đồng bộ và tiếp tục được hoàn thiện. Cạnh đó, việc tổ chức thi hành Luật Lý lịch tư pháp các Nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn Luật này cũng như các Luật khác có liên quan đến lý lịch tư pháp được tổ chức đồng bộ, ngày càng hiệu quả. Công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được tăng cường và chú trọng, đã xử lý, cập nhật và lưu trữ hàng triệu thông tin lý lịch tư pháp tại Cơ sở dữ liệu. 

Đặc biệt, trong 10 năm qua con số Phiếu LLTP được cấp là khoảng 4 triệu và tăng theo thời gian nhưng các cơ quan tư pháp đã cố gắng cơ bản đảm bảo độ chính xác về thông tin lý lịch tư pháp, từng bước được cải cách về thủ tục hành chính, đơn giản hóa và thuận tiện hơn cho người dân với nhiều cách làm mới, sáng tạo. “Hội thảo này là một cơ hội tốt để những người làm công tác LLTP tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp, cách làm hay, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác LLTP”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Theo ông Hoàng Quốc Hùng, tính đến 30/6/2020, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã thụ lý 3.832.391 yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đã giải quyết được 3.763.034 yêu cầu. 98% phiếu LLTP được cấp đúng thời hạn. Hàng triệu người dân Việt Nam cũng kiều bào, người nước ngoài sống tại Việt Nam được thừa hưởng kết quả tốt đẹp từ việc cấp phiếu LLTP. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh, con số 2% chưa cấp đúng thời hạn cũng không phải là nhỏ, và thời gian tới sẽ nỗ lực làm tốt hơn để đưa tỉ lệ này xuống thấp hơn.

Bà Sitara Syed chia sẻ, nhìn lại 10 năm thực hiện Luật LLTP, việc áp dụng pháp luật đối với nhóm yếu thế trong xã hội từng bước được cải thiện. UNDP cam kết sẽ hỗ trợ cho Bộ Tư pháp về việc cung cấp những kinh nghiệm của các nước trên thế giới về mục tiêu tiếp cận tư pháp cũng như công bằng trong xã hội.

Gỡ vướng cho “xóa án tích”

Một vấn đề được nhấn mạnh tại Hội thảo đó là xóa án tích. Theo bà Sitara Syedt, UNDP tập trung hỗ trợ các lĩnh vực như xóa án tích và những kinh nghiệm xử lý của các nước trên thế giới về lĩnh vực này. UNDP ủng hộ việc xóa án tích cho người chưa thành niên phạm tội. Theo nghiên cứu ở các nước thì người được xóa án tích ít phạm tội mới hơn…

 

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, vấn đề án tích và xóa án tích được quy định tại BLHS các năm 1999 và BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2003 và năm 2015, Luật LLTP năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Chế định « xóa án tích” và "đương nhiên được xóa án tích" đã được sửa đổi cơ bản, có nhiều tiến bộ, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống.

 

Tuy nhiên, trong xóa án tích, đó đây vấn còn tồn tại không ít vướng mắc cần phải tháo gỡ. Theo TS.Tạ Thị Minh Lý – chuyên gia tư vấn UNDP, hậu quả của án tích không nằm trong nội dung của hình phạt đã tuyên mà thể hiện trong lịch sử LLTP của người đó. Có một thực tế là pháp luật hình sự Việt Nam chưa xác định cụ thể khái niệm án tích, cũng như nội dung xóa án tích một cách cụ thể nên trong thực tiễn vận dụng người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vẫn còn e ngại khi yêu cầu xóa án và thậm chí không thể hiểu rõ “đương nhiên” là tự động hay phải đề nghị, đồng thời đồng nhất việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP với việc xác nhận xóa án tích. Việc yêu cầu cấp phiếu LLTP số 02 tràn lan khi ghi rõ cả án tích đã được xóa còn là một trở ngại cho những người đã được xóa án tích thật sự quên đi bản án đã được xóa trước con mắt của cơ quan tuyển dụng hoặc người quen và xã hội. 

Kết quả khảo sát thực tế xóa án tích được đưa ra tại hội thảo cho thấy, những vấn đề còn tồn tại trong xóa án tích khá nhiều. TS.Tạ Thị Minh Lý nhấn mạnh, Luật LLTP cần có quy định riêng về thủ tục xóa án tích cho người đương nhiên được xóa án tích theo hướng trong quá trình cập nhật thông tin LLTP về án tích, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cần chủ động thực hiện việc tra cứu thông tin LLTP, xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để xóa án tích cho người bị kết án khi họ có đủ các điều kiện do BLHS quy định, chứ không phải đợi đến khi họ có yêu cầu cấp Phiếu LLTP mới thực hiện những công việc này như hiện nay.  

Đọc thêm