Kẻ góp công, người góp của...
Một ngày của nhóm phật tử tham gia nấu cơm, cháo cho bệnh nhân ung thư của 3 cơ sở Bệnh viện K bắt đầu từ 4h30 sáng hàng ngày. Mỗi người một nơi, người đi bộ, người đi xe ôm, người bắt xe buýt, mọi con đường đều dẫn về con ngõ 331 Trần Khát Chân, Hà Nội. Công việc đều đặn hàng ngày đều được coi là bổn phận, là phận sự, ai vắng mặt phải báo trước để mọi người còn kịp bổ sung người thay thế.
Mỗi người một tổ, tổ cơm, tổ cháo, tổ bếp... cứ thế phân việc ra làm. Đến khoảng 8h30 mọi việc kết thúc. Lúc ấy, cháo đã được phát, cơm đã được chia từng hộp đầy đặn với đủ rau, củ quả, thức ăn. Phiếu ăn cũng được phát ra tại các bệnh viện. 9h sáng xe lên đường, lần lượt đến từng địa chỉ của Bệnh viện K (ở Quán Sứ, Cầu Bươu và Tam Hiệp) để kịp thời cho bữa trưa của các bệnh nhân.
|
Sư thầy Thích Nữ Như Hiền chuẩn bị nấu cơm thiện nguyện. |
10 năm nay công việc đều đặn, thường xuyên như thế, bất kể ngày nắng mưa, bão bùng. Có những cụ đã ngoài 80 tham gia với nhà chùa ngay từ những ngày đầu tiên nay đã mất. Có những người chuẩn bị thượng thọ nhưng cũng có rất nhiều phật tử trẻ tuổi, nguyện cống hiến tâm đức cho công việc “cứu khổ, ban vui” của nhà chùa. Số lượng phật tử tham gia khoảng 100 người, trong đó có khoảng 40 người ở đội ngũ chính, đảm bảo có mặt trong bất kỳ tình huống nào.
Ngoài ra còn chưa kể đến những phật tử nghe danh nhà chùa làm thiện nguyện, rất nhiều mạnh thường quân là các cá nhân, tổ chức đến để cúng tiền tài cho nhà chùa, cúng dường để nhà chùa đứng ra làm việc nhân đức. Cô Đào (nhà ở Tây Sơn) chia sẻ: Mỗi người một cách đóng góp cho công việc của nhà chùa. Người có tiền thì cúng tiền tài, người nào không khá giả thì góp công sức.
Một điển hình theo mô hình “kẻ góp công, người góp của” chính là cô Xuân, 53 tuổi ở Hưng Yên. Một người của tổ bếp nhận xét: “Công đức cô Xuân góp cho nhà chùa không kể xiết”. Cô tham gia công việc thiện nguyện với nhà chùa được khoảng 4-5 năm nay. Cô phụ trách việc chính là bắc bếp nổi lửa và kéo củi, bổ củi. Cô bảo, cô vụng về nên không dám động tay vào việc bếp núc, chỉ làm việc nặng nhọc là phù hợp nhất. Cô giúp mọi người bắc nồi, những chiếc nồi to cao gần cả 1 mét. Kết thúc việc bếp núc cô lại kéo xe bò đi chở củi. Mỗi lần kéo đều từ 5-10 xe/ngày. Có ngày cô kéo xe bò lên tận phố Lạc Trung, cách nhà chùa cả 2 cây số.
Hình ảnh cô Xuân kéo củi đã chở nên quen thuộc đối với mỗi người dân những con phố, ngõ ngách quanh nhà chùa. Mỗi trưa, lại có người bán nước, bán mía đá gọi cô vào nghỉ ngơi, mời chén nước. Họ bảo: “Tôi không có điều kiện công đức cho nhà chùa thì tôi công đức cho cô để cô khỏe mạnh, yên tâm cống hiến cho công việc thiện nguyện cho nhà chùa”. Cứ thế, cả mấy năm nay, củi để bắc bếp một tay cô Xuân lo toan. Rồi chuyện chẻ củi cũng một tay cô Xuân làm. Thầy trụ trì phân cho cô một con dao rựa, cô cất giữ nó như báu vật bởi nếu thiếu dao thì cô không thể chẻ củi, nhà chùa sẽ không có củi để nấu cơm hàng ngày.
Cô cho biết, ngày mới bắt đầu vào chùa làm cô đen đúa, gầy mòn lắm. Cuộc sống vất vả nhưng chồng con vẫn động viên để cô có thể đóng góp được sức mình cho công việc thiện nguyện của nhà chùa. Sau 4-5 năm tham gia thiện nguyện, cô đã tăng 20kg dù cô phụ trách toàn việc nặng nhọc. Cô cũng được chồng con ủng hộ, tạo điều kiện cho vào làm công việc ở chùa. Cô bảo hồi mới vào chùa cô hay nói tục lắm nhưng vào chùa rồi, lời ăn tiếng nói cô giữ gìn rất cẩn thận, cả nhà phải ngạc nhiên.
|
Ảnh minh họa. |
Cứu khổ, ban vui...
Không chỉ chuẩn bị hàng trăm suất ăn hàng ngày cho bệnh nhân, thi thoảng thầy trụ trì Thích Nữ Như Hiền (70 tuổi) và các phật tử của chùa còn đi từ thiện ở những vùng xa xôi, miền núi. Dấu chân thầy đã đặt ở hầu hết các tỉnh. Những địa bàn khó khăn nhất của Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai thầy trụ trì và các phật tử của chùa Linh Sơn Thanh Nhàn đều đã có mặt.
Công việc thiện nguyện góp bữa trưa cho bệnh nhân ung thư được thầy bắt đầu làm từ 1/8/2006. Thầy cho biết: “Đạo Phật của chúng tôi là từ bi, là cứu khổ ban vui mà việc này cũng mang lại niềm vui cho bệnh nhân nên chúng tôi làm”. Phải gặng hỏi nhiều lần, thầy Thích Nữ Như Hiền mới cho chúng tôi biết nguồn cơn công việc thiện nguyện của thầy.
Thầy kể lại, trong một lần vào thăm một cháu bé bị ung thư lưỡi, thấy cháu yếu quá, tiên liệu không sống được nên thầy và một thầy khác cho cháu bé mấy trăm ngàn. Mấy người bệnh nhân khác thấy thế đều đến chỗ thầy xin ít tiền. Thầy rút hết những đồng tiền cuối cùng mình có để chia sẻ cho bệnh nhân. Về đến nhà chùa thấy mới thấy bệnh nhân khổ quá, phải lo đủ các thứ tiền nên nảy sinh ý định làm từ thiện, giúp mọi người.
Nghĩ là làm, thầy lên xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, được đồng ý thì tiến hành luôn. Và chùa Linh Sơn Thanh Nhàn chính là tổ chức đầu tiên tổ chức bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện K. Ban đầu, thầy chỉ đủ sức làm mỗi ngày 50 suất cơm và tiền lấy từ nguồn công đức của nhà chùa. Thầy cùng phật tử làm liên tục được 7-8 tháng thì bệnh viện cũng lo lắng, hỏi xem thầy có thể làm được đến bao giờ.
Kể câu chuyện này với chúng tôi, thầy Thích Nữ Như Hiền không nén nổi xúc động. Thầy bảo, đúng là thời điểm ấy thầy cứ xuất tiền túi ra làm, chưa định lượng được điều gì nên thầy chỉ trả lời: “Tôi chưa biết được mình sẽ làm được bao lâu nhưng khi nào ngừng tôi sẽ báo trước 1 tháng”. Không ngờ lo lắng của bệnh viện ngày ấy trở nên thừa... Bởi thầy và nhà chùa đã đều đặn nấu những suất ăn thiện tâm, yêu thương đến nay đã tròn 10 năm.
Thầy cho biết, duy nhất một năm nhà chùa mua xe ô tô để chở cơm từ thiện, xây nhà nội trú bị âm mất vài trăm triệu nhưng nhà chùa vẫn đảm bảo suất ăn đầy đủ và chất lượng bữa ăn thì ngày một nâng lên. Ngày đầu tiên mỗi suất ăn chỉ nửa lạng thịt, bây giờ mỗi suất ăn đều hơn 1 lạng, cùng với rau, canh. Thầy nói đơn giản về công việc của mình: “Đúng người đúng việc thì mọi người sẽ ủng hộ thôi”.
Bây giờ hàng ngày nhà chùa nấu 700 suất cháo, 400 suất cơm. Một cán bộ của Bệnh viện K cho biết, suất ăn của chùa Linh Sơn Thanh Nhàn rất ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Có lẽ là do những suất ăn này được nấu bằng tình yêu của những phật tử nơi đây, từ tình cảm “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của những người đang hàng ngày cống hiến chút công sức bé nhỏ của mình cho những người bệnh phải chống chọi với bệnh tật triền miên.