10 ngày thử nghiệm A-CDM, tỷ lệ bay đúng giờ tại Nội Bài đạt 94%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian bay đúng giờ đạt tỉ lệ 94%, tỉ lệ thời gian chờ lăn bánh cất cánh và đỗ cũng giảm, giúp cho các hãng hàng không tiết kiệm đáng kể nhiên liệu. Đó là một vài kết quả được ghi nhận tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sau 10 ngày thực hiện thử nghiệm mô hình phối hợp ra quyết định. 
Ông Đinh Đăng Định - PGĐ Trung tâm ĐHSB - Cảng HKQT Nội Bài đang giới thiệu về A-CDM tại màn hình A-CDM portal.
Ông Đinh Đăng Định - PGĐ Trung tâm ĐHSB - Cảng HKQT Nội Bài đang giới thiệu về A-CDM tại màn hình A-CDM portal.

Thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài cho biết, việc áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định tại Cảng hàng không, sân bay (A-CDM) đã được Cảng HKQT Nội Bài triển khai thử nghiệm từ ngày 26/3/2023, mỗi ngày vào 2 khung giờ (từ 9h-11h và 13h-15h).

Theo tính toán sơ bộ, trong 10 ngày đầu thử nghiệm, Cảng HKQT Nội Bài và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ bay đã điều hành hiệu quả đối với gần 350 lượt chuyến bay trong khung giờ áp dụng A-CDM cất hạ cánh an toàn.

“Có nhiều chỉ tiêu được đưa ra để tính toán hiệu quả của A-CDM”, ông Đinh Đăng Định - Phó giám đốc Trung tâm Điều hành sân bay Nội Bài (Cảng HKQT Nội Bài) cũng là thành viên Tổ triển khai A-CDM tại Nội Bài chia sẻ.

Cụ thể, một số chỉ tiêu đều đạt hiệu quả cao, trong đó, đáng kể là số đúng giờ của chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm A-CDM được ghi nhận đạt 94%. So với trung bình trong quý 1/2023 (88,25%), chỉ số đúng giờ của các chuyến bay đã có những cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ giờ cất cánh được đánh giá bởi độ lệch giữa giờ cất cánh tính toán và giờ cất cánh thực tế, được ghi nhận chỉ chênh 1 phút, cho thấy giờ cất cánh thực tế được tuân thủ gần như tuyệt đối so với giờ cất cánh tính toán được đưa ra trước đó.

“Điều này cũng cho thấy hiệu quả tính toán chính xác trình tự cất cánh của hệ thống quản lý tàu bay đi của Công ty Quản lý bay miền Bắc” - ông Định nói

Ngoài ra, các chỉ số rất quan trọng của A-CDM nhằm giảm chi phí cho các hãng hàng không tham gia dây chuyền A-CDM, giảm thời gian chiếm dụng đường lăn và tối ưu hóa sử dụng hạ tầng tại Cảng hàng không đó là thời gian lăn ra để cất cánh của tàu bay và thời gian lăn vào vị trí đỗ của tàu bay.

Theo tính toán thời gian lăn ra để cất cánh của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm tại NIA đạt 14 phút, giảm 02 phút so với trung bình trước khi thử nghiệm; Thời gian lăn vào của tàu bay tính từ thời điểm tàu bay hạ cánh thực tế trên đường băng và lăn vào vị trí đỗ trung bình trong khung giờ thử nghiệm đạt 6,5 phút, giảm 1,5 phút so với trung bình trước khi thử nghiệm.

Tính toán sơ bộ của các hãng hàng không nội địa cho thấy, mỗi phút tiết kiệm thời gian lăn sẽ tương ứng với số nhiên liệu tiết kiệm được và quy đổi chi phí như sau: Với loại tàu bay A350 tiết kiệm được 25kg nhiên liệu/1 phút tương đương khoảng 127$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn; Với loại tàu bay B787 tiết kiệm được 20kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 122$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn; Với loại tàu bay A321 tiết kiệm được 13,5kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 68$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn; Với loại tàu bay ATR72 tiết kiệm được 13,5kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 19$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn.

Đối với hành khách, rõ ràng với tỷ lệ đúng giờ đối với các chuyến bay áp dụng A-CDM tại NIA trong thời gian qua là 94% sẽ khiến hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, do tàu bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng…, đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được phục vụ tốt hơn,… do các chuyến bay được lập kế hoạch tốt, có thông tin rõ ràng, được tối ưu hóa các khâu trong quá trình khai thác nhờ A-CDM.

Đọc thêm