10 nguyên tắc phòng ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, đặc biệt là các loại thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, mứt, rượu bia, nước giải khát,… Để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết, người dân cần chủ động thực hiện 10 nguyên tắc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm sau.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chọn những thực phẩm an toàn

Trong dịp Tết, nhiều người thường có thói quen mua sắm, tích trữ quá nhiều thực phẩm để sử dụng trong thời gian dài. Nếu không được bảo quản tốt, những thực phẩm này có nguy cơ bị biến chất, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, chuyên gia lưu ý chỉ nên mua vừa đủ dùng trong dịp Tết. Bên cạnh đó nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, thực phẩm giữ được màu tự nhiên, không có màu sắc, mùi vị lạ, có dấu hiệu ôi thiu hoặc bị mốc.

Nấu chín kỹ thức ăn

Thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại bỏ nguy cơ bị ngộ độc. Muốn biết chắc chắn xem thực phẩm đó có được nấu chín ở nhiệt độ an toàn hay không, bạn có thể sử dụng nhiệt kế đo độ để kiểm tra. Theo các chuyên gia, thức ăn an toàn là khi được nấu chín ở nhiệt độ 60-100 độ C.

Tại các bữa tiệc sum họp trong dịp Tết, nhiều gia đình thường tổ chức ăn lẩu. Đây là một món ăn ngon nhưng tiềm tàng nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi ăn cần hết sức chú ý, chỉ ăn khi thực phẩm đã chín.

Ăn ngay sau khi nấu

Việc ăn ngay sau khi nấu giúp chúng ta tránh được những mối nguy hại khi thức ăn để lâu và biến chất. Hãy thực hiện điều này để đảm bảo được yếu tố an toàn thực phẩm. Đây là một trong những nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm được WHO khuyến cáo là quan trọng nhất.

Bảo quản cẩn thận những thức ăn đã nấu chín

Nếu muốn giữ thức ăn để dùng lại trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, thức ăn cần được giữ ở nhiệt độ trên 60 độ C liên tục hoặc đảm bảo lạnh dưới 10 độ C. Đặc biệt, không nên cho trẻ em, người cao tuổi… sử dụng thức ăn được đun lại nhiều lần.

Nấu lại thức ăn thật kỹ

Trong trường hợp dùng lại thức ăn cũ thì cần phải đun lại thật kỹ. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng thức ăn bị biến chất, giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại và đảm bảo sức khỏe.

Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn

Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn do dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín.

Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thức ăn. Khi chế biến, bạn cần tuân thủ nguyên tắc rửa tay sạch để bảo đảm vi khuẩn từ tay không bị dính lên thực phẩm. Sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác cũng cần rửa tay thật sạch để đảm bảo sự an toàn cho thức ăn.

Ngoài ra, nếu gặp những vấn đề về nhiễm trùng ở tay thì cần băng bó kỹ trước khi chế biến, tránh để vi trùng từ vết thương ảnh hưởng đến thực phẩm.

Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn

Cần vệ sinh sạch sẽ bát đũa, thường xuyên thay và rửa lại bằng nước sôi. Do thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn đòi hỏi bạn phải thật cẩn thận và để ý đến những bề mặt dùng để chế biến thực phẩm.

Che đậy thực phẩm cẩn thận

Cần bảo quản thực phẩm trong hộp kín, lồng bàn, tủ kính để tránh các loài côn trùng và động vật khác. Nếu sử dụng khăn để bảo quản thực phẩm thì cần phải giặt lại sau mỗi lần sử dụng.

Sử dụng nguồn nước sạch an toàn

Mọi loại thực phẩm đều cần được rửa và chế biến từ nguồn nước sạch. Trong dịp Tết, thói quen uống nước giải khát với đá lạnh là rất phổ biến. Nên làm đá lạnh từ nước đun sôi để nguội để đảm bảo tiêu diệt hết vi khuẩn có hại.

Trên đây là những nguyên tắc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm mà bác sĩ khuyến cáo để người dân có một dịp Tết Nguyên đán lành mạnh và an toàn.

Đọc thêm